Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra công tác quản lý Nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại 50 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được thực hiện lồng ghép, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp tại các Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên các địa phương chưa tập trung xây dựng kế hoạch hay đề án riêng cho nội dung này, do đó chưa tập trung được nguồn lực và chưa có định hướng, chiến lược rõ ràng về cây trồng chuyển đổi. Việc ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu và định hướng sản xuất nông nghiệp tại địa phương chưa được thực hiện hiệu quả, gây khó khăn cho người dân đăng ký chuyển đổi hàng năm. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bước đầu được lồng ghép với các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ, hành chính chung. Việc tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo nội dung về quản lý đất trồng lúa nói chung hầu như chưa thực hiện. Còn xảy ra tình trạng người dân tự thực hiện chuyển đổi khi chưa được Ủy ban nhân dân xã chấp thuận, ảnh hưởng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định hướng sản xuất trồng trọt của địa phương.
Để phát huy những thành quả tích cực từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; đồng thời hạn chế, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1996/UBND-KTN ngày 08/11/2023 về việc tăng công tác quản lý nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ và sử dụng đất trồng lúa nói chung và quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nói riêng, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; chấn chỉnh, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong xử lý công việc về lập kế hoạch và giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi; sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và nguồn lực khác.
Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 toàn tỉnh là 2.219,29 ha, đạt 131,2% so với kế hoạch và bằng 109% so với kết quả chuyển đổi năm 2021. Cụ thể diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 2.088,62 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 765,92 ha; đất 1 vụ lúa 1.322,7 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm ngô, ngô sinh khối, rau đậu các loại (bí xanh, dưa chuột...), mía, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi... Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm là 64,69 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 11,92 ha; đất 1 vụ lúa 52,77 ha. Loại cây được chuyển đổi chính gồm: Nhãn, ổi, táo, cây có múi, na... Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 1,29 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 1,23 ha; đất 1 vụ lúa 0,06 ha. Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn gồm: huyện Lạc Sơn (870,53 ha), huyện Tân Lạc (638,53 ha), huyện Kim Bôi (327,12 ha), huyện Mai Châu (245,88 ha).
Một số mô hình, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao như chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu cho thu nhập trung bình 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng mía tím tại huyện Cao Phong, Tân Lạc cho thu nhập 140 - 180 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi trồng khoai lang cho thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng/ha/năm. Mô hình liên kết nông dân với các công ty sản xuất giống, sản xuất cây lấy hạt giống mướp đắng, dưa chuột… tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn cho thu nhập khá trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình chuyển đổi trồng ngô sinh khối tại Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha/năm./.