
Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các phòng thuộc Cục, lãnh đạo Chi cục Thuế các huyện, khu vực.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…tất cả những điều này đã tác động trực tiếp đến số thu NSNN của cơ quan thuế các cấp.
Cụ thể, tổng thu ngân sách 5 tháng là 502.600 tỷ đồng, đạt 40,1% dự toán, bằng 98% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 40 địa pương đạt trên 40% dự toán, nhưng 23 địa phương thu ngân sách đạt dưới 40% dự toán là mức trung bình của cả nước. Ngoài ra, nhiều địa phương có số thu lớn như Hà Nội mới đạt 36,3%; TP HCM 34,6%; Hải Phòng 32%; Đà Nẵng 28,9%; Khánh Hoà 30,7% dự toán. Đặc biệt, 3 địa phương là Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu chỉ ở mức trên dưới 25% dự toán. Diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4, tháng 5; Mức thu sụt giảm diễn ra nhanh ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu, sắc thuế lớn, có kỳ khai thuế tháng như thuế GTGT, TTĐB, TNDN...
Nguyên nhân dẫn đến số thu sụt giảm, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết nguyên nhân chủ yếu, đó là do DN gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giảm thu do chính sách (tác động của Nghị định 100 về hạn chế uống rượu bia khi tham gia giao thông, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41) và do sản lượng điện sản xuất của Công ty thủy điện Hòa Bình giảm, 4 tháng đầu năm sản lượng điện sản xuất đạt 1.43 tỷ kw/h, giảm 0,9 tỷ kw/h so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình đó, ngành thuế đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện công tác quản lý thuế, thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế theo các Nghị quyết, Chỉ thị, giải pháp được Chính phủ ban hành, trong đó có giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, tuy nhiên bước đầu con số xử lý còn khiêm tốn so với dự kiến ban đầu. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2020, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương cần tăng cường công tác hỗ trợ người nộp thuế để đảm bảo các nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân thực sự đi vào cuộc sống.
“Để các chính sách hỗ trợ DN, người nộp thuế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đi vào cuộc sống hơn nữa, cơ quan thuế các cấp cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP... của Chính phủ tới toàn thể người nộp thuế” - ông Cao Anh Tuấn nói.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.
Thực hiện nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn theo nhiều phương pháp như: cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, Cổng Dịch vụ công quốc gia, đường bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế, đảm bảo hệ thống CNTT vận hành thông suốt 24/7.
Để kịp thời khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, đơn vị khẩn trương hoàn thành và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị quyết 94 về xử lý nợ thuế, đưa Thông tư vào cuộc sống từ 1/7/2020 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đồng thời cũng làm giảm số nợ của ngành Thuế xuống (dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp cũng kiên quyết cưỡng chế, thu hồi nợ thuế đối với những DN chây ỳ, cố tình khai man được gia hạn thuế để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, tạo môi trường tốt cho hoạt động kinh doanh của DN.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác kiểm tra thuế tại bàn, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng Chỉ thị 11 của Thủ tướng. Đặc biệt, không thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại các DN bị thiệt hại do dịch bệnh; các DN có rủi ro thấp./.