Tỉnh Hòa Bình có mạng lưới sông, suối tương đối nhiều và phân bố khá đều trên các huyện, thành phố. Trên địa bàn tỉnh có 5 sông chảy qua và có 308 hồ chứa loại lớn, vừa và nhỏ tạo thành các thủy vực lớn giúp cho hệ sinh thái thủy sinh trở nên phong phú và đa dạng. Đặc biệt hồ thuy điện Hòa Bình thuộc địa phận 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La có diện tích mặt nước khoảng 16.700 ha, với dung tích chứa trên 9 tỷ m nước. Hồ thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình có diện tích mặt nước là 8.890 ha thuộc 4 huyện và 1 thành phố với 19 xã ven hồ. Nguồn lợi thủy sản của hồ phong phú về giống, loài được coi kho tàng quý báu về các loài thủy sinh vật của vùng Tây Bắc. Nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài thuỷ sản quý hiếm như cá Dầm Xanh, Anh Vũ, Cá Lăng, Cá Chiên và nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên những năm qua các hoạt động của con người đã vô tình làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, trong đó có nguyên nhân cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ tầm quang trọng của việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, trọng tâm là bảo vệ những loài hoang dã, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác do sức ép của việc tăng dân số, số lượng người, phương tiện, ngư cụ tham gia khai thác thủy sản ngày càng tăng. Để thu được sản phẩm người dân đã dùng mọi hình thức, đủ loại ngư cụ kế cả các loại phương tiện cầm có tính hủy diệt để đánh bắt cá do vậy nguồn lợi thủy sản đã bị giảm sút cả về sản lượng cũng như giống loài. Ngoài ra việc đô thị hóa vùng ven sông, hồ với tốc độ nhanh, chất lượng nguồn nước bị suy giảm do xả trực tiếp từ hoạt động kinh tế và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa qua xử lý cũng gây ô nhiễm và kéo theo dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Do vậy, việc chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà là vô cùng cần thiết.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương; đưa ra các khuyến nghị, giải pháp chiến lược nhằm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, hướng người dân tạo ra sản phẩm theo hướng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng, năng suất cao hướng đến phát triển bền vững và ổn định; giải đáp những thắc mắc của người dân gặp phải trong quá trình canh tác nuôi trồng, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản để nông dân có thể áp dụng được vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Tọa đàm là dịp để nông dân trao đổi, chia sẻ và thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản lưu vực sông Đà nói chung và ngành thuỷ sản của tỉnh Hoà Bình nói riêng. Đồng thời giúp bà con xây dựng, quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong định hướng, cơ chế, chính sách hỗ trợ người nuôi trồng thuỷ sản nhằm đẩy mạnh tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị, có kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc năm 2023./.
Toàn cảnh Tọa đàm giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lơi thủy sản lưu vực sông Đà