Trong những năm qua, hoạt động xuất bản đã giữ vững được sự ổn định, tiếp tục có những bước phát triển mới, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Luật Xuất bản ở nước ta cho đến nay đã có nhiều lần sửa đổi. Những chính sách đặc thù dành cho xuất bản đã được cụ thể hơn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tập trung vào một số nội dung trọng tâm: cơ chế chủ quản và việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản, nhấn mạnh ở trách nhiệm đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn; chính sách về mô hình NXB, nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến hai mô hình: DN và đơn vị sự nghiệp công lập, liên hệ với tính đặc thù của NXB theo từng lĩnh vực, địa bàn; các chính sách ưu đãi đối với 3 lĩnh vực hoạt động xuất bản, tập trung và các chính sách thuế, tiền thuê nhà, đất; chế độ người lao động tại các nhà NXB, cơ sở in và phát hành, chính sách đặt hàng, trợ cước, quỹ hỗ trợ và các chính sách ưu đãi khác; chính sách phát triển xuất bản điện tử đáp ứng yêu cầu mới của kỷ nguyên bùng nổ thông tin và toàn cầu văn hóa.
Trong cơ chế, có nhiều vấn đề đang đặt ra nhưng nổi bật nhất, cấp bách nhất là vấn đề hoàn thiện cơ chế chủ quản vì việc thiết lập chủ quản là cần thiết, đảm bảo cho xuất bản vận hành trong trật tự và phát triển. Đây là đòi hỏi có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, chính sách về mô hình, chính sách đầu tư, chính sách cán bộ và chế độ đãi ngộ, chính sách ưu đãi, phù hợp với đặc thù của ngành không chỉ liên quan đến các nhà xuất bản mà còn có ảnh hưởng đến các cơ sở in, cơ sở phát hành.
Trên cơ sở đánh giá những bất cập trong cơ chế, chính sách, hội thảo thống nhất 3 nhóm giải pháp chính: Một là, nhóm giải pháp về nhận thức, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu lý luận, giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi lớn nhất trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, đó là “mối quan hệ giữa việc thực hiện chức năng tư tưởng văn hóa và chức năng sản xuất kinh doanh của các đơn vị xuất bản”. Hai là, nhóm giải pháp về chỉ đạo, quản lý; nhanh chóng có giải pháp thống nhất mô hình phù hợp đối với đặc thù của NXB; các cơ quan chủ quản chủ động xây dựng cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện cho các NXB phát huy vai trò là cơ quan văn hóa quan trọng của ngành, địa phương; hoàn thiện định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển đảm bảo khoa học, chính xác; mạnh dạn xóa bỏ các nhà NXB hoạt động thiếu hiệu quả, sai phạm kéo dài. Ba là, nhóm giải pháp về con người: phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền cơ quan chủ quản, các NXB trong xây dựng quy hoạch, bố trí cán bộ lãnh đạo NXB; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác văn hóa trên cả 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành…