Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chính sách về công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về trình độ, năng lực, đổi mới về phong cách làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ chinh trị của các sở, ban, ngành, các địa phương và yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Đến nay, có 16.829 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên tổng số 31.796 cán bộ, công chức, viên chức (chưa tính khối Đảng, đoàn thể); tỷ lệ cán bộ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, HĐND các cấp cơ bản đã đảm bảo cơ cấu, số lượng, thành phần theo quy định của Trung ương; đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số đều tham gia giữ vai trò lãnh đạo quản lý ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh hiện có 640 đơn vị trường học (trong đó có 13 trường dân tộc nội trú; 13 trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú), hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở, các huyện có trường trung học phổ thông, nhiều huyện có thêm trường phổ thông dân tộc nội trú cụm xã. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được quan tâm nâng cao chất lượng, cơ bản đảm bảo đủ cơ cấu, trình độ đào tạo đạt chuẩn và từng bước nâng chuẩn (toàn tỉnh hiện có 6.957 cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số).
Công tác khám, chữa bệnh, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các xã vùng khó khăn của tỉnh từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, công suất sử dụng giường bệnh của các cơ sở y tế đạt trên 108%. Công tác y tế dự phòng được chú trọng, không để các ổ dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra. Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh được tăng cường. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại các cơ sở trên toàn tỉnh tiếp tực thực hiện có hiệu quả. Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ chính sách bảo hiểm y tế kịp thời, đầy đủ, tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8% dân số. Mạng lưới y tế tuyến cơ sở được củng cố, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, chất lượng đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở được nâng lên, đến nay 100% các xã có trạm y tế, được quy hoạch để từng bước phấn đấu có nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác thông tin truyền thông được tập trung nâng cao chất lượng thông tin, báo chí, xuất bản; hiện đại hóa hệ thống kỹ thuật, công nghệ phát thanh truyền hình. Tăng cường thời lượng, chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc Mường. Tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay đã phủ sóng phát thanh 99,5% và sóng truyền hình 87,9% diện tích toàn tỉnh; 100% số xã có cáp quang đến trung tâm; số xã có dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL đạt tỷ lệ 90%. Thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đã triển khai các dự án: Dự án tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa; dự án tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa; dự án tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa./.