
Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 và được điều chỉnh tại Quyết định số 2937/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 với tổng khối lượng thực hiện 977 km. Trong đó đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện 54 km; đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản 465 km; đường ngõ, xóm 351 km; đường trục chính nội đồng 107 km. Tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Sau 4 năm thực hiện, Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020 cơ bản đã hoàn thành với khối lượng hoàn thành vượt 84 km so với kế hoạch đề ra. Theo đó, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa tăng từ 36,63% vào cuối năm 2016 lên 57% vào cuối năm 2020.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các huyện, thành phố, tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hoá bằng bê tông xi măng và đá dăm láng nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 là 1.061 km với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng. Trong đó đường xã, liên xã (bao gồm cả đường huyện) 187,78 km; đường trục thôn, xóm 535,57 km; đường ngõ 239,15 km; đường trục chính nội đồng 98,98 km. Khối lượng thực hiện chia theo nguồn vốn: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 236,69 km; dự án giảm nghèo 42,91 km; dứ 135 là 149,31 km; ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện Đề án 149,31 km; nguồn vốn khác (ngân sách huyện, xã, ODA, sự nghiệp…) 486,59 km.
Đến nay, Đề án thực hiện lồng ghép từ nhiều chương trình đề án nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, 135... cơ bản đã hoàn thành với khối lượng hoàn thành vượt 84 km so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hoá, bê tông hoá tăng từ 36,43% vào cuối năm 2016 lên 57% vào cuối năm 2020. Các tuyến đường giao thông nông thôn có yêu cầu kỹ thuật không cao và có thiết kế mẫu được thực hiện bằng hình thức "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm", có hiệu quả kinh tế cao, giảm gánh nặng đầu tư xây dựng đường giao thông cho ngân sách Nhà nước. Việc thực hiện Đề án góp phần nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và sự ủng hộ của nhân dân nên Đề án được thực hiện khá hiệu quả với số km được cứng hóa cao, các tuyến đường có bề rộng nền, mặt đường đáp ứng được yêu cầu đề ra của Đề án. Bên cạnh đó, Đề án được hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện, quy trình nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhân dân ủng hộ nên nguồn lực huy động từ nhân dân lớn, nhiều tuyến đường được nhân dân hiến đất để mở rộng nền mặt đường đáp ứng quy mô kỹ thuật của Đề án.
Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020, thời gian tới tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đế án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục tăng về khối lượng cứng hóa bằng bê tông xi măng, nâng cao về khả năng khai thác của đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tăng khối lượng cứng hóa bằng bê tông xi măng đường giao thông nông thôn đảm bảo đến năm 2025 có ít nhất 70% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí 02 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% địa phương cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh có bố trí kinh phí và tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông nông thôn huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Đối với các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật không cao có sẵn thiết kế mẫu, khu vực tập trung đông dân cư ưu tiên thực hiện bằng hình thức "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm"; đối với các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật cao, qua khu vực dân cư thưa thớt sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ toàn bộ chi phí./.