Theo đó, trong thời gian từ nay đến hết tháng 7 năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Lãnh đạo các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng sự kiện, tạo thành chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Tháng hành động vì môi trường năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Nội dung triển khai bao gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới ngày 5/6, tháng hành động vì môi trường, hướng đến các hoạt động cộng đồng như: Mittinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định. Ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải. Treo băng rôn, pano, áp tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường. Tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình phục vụ công tác bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng và các hoạt động phát triển theo hướng bền vững. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Đặc biệt là các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế và giao thông vận tải. Hướng dẫn các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học 22/5/2022. Làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học. Triển khai các mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng. Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo. Quản lý và sử dụng tải nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo quy định. Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, số hóa quản lý di sản thiên nhiên được quan tâm đẩy mạnh, hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.
Thứ ba, mở rộng các hoạt động triển khai sau Tháng hành động vì môi trường. Trong đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân tổ chức thu gom rác thải và tổng vệ sinh định kỳ, tổ chức các mô hình về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi gây mất vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Các sở, ban, ngành duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ quan đơn vị, nơi công cộng. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện để các tổ chức, đoàn thể triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường đạt hiệu quả./.