DetailController

Giáo dục

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và bảo vệ môi trường năm 2022

03/10/2022 00:00
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm) và đã phát triển thành sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng trăm quốc gia, hàng triệu lượt người trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngày 29/9/2022, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 2757 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và bảo vệ môi trường năm 2022.
Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị tổ chức trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại địa phương, đơn vị, trường học,… Tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên và cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải tại đơn vị, trường học; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Lồng ghép, tích hợp nội dung về bảo vệ môi trường trong dạy học các môn học (Sinh học, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và Pháp luật,…) và các hoạt động ngoại khóa đảm bảo hiệu quả, phù hợp với địa phương, đơn vị và cấp học, ngành học.

Tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, học viên và các chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học,... Tổ chức các cuộc thi, hội thi về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức sinh động, hiệu quả (sân khấu hóa, các trò chơi có khen thưởng, qua ứng dụng công nghệ thông tin,…) nhằm tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật… Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên, sinh viên, học sinh, học viên và cả cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương. Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các nhà trường và các địa điểm phù hợp.

Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phù hợp trên nền tảng công nghệ và nhóm đối tượng. Phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường. Biểu dương, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, thiết thực trongviệc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, phục hồi hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu./.