DetailController

Giáo dục

Tỉnh Hòa Bình: Trong nhóm 11 địa phương tăng hạng vượt bậc về điểm trung bình tốt nghiệp Kỳ thi tốt nghiệp THPT

05/09/2022 00:00
Từ năm 2020 đến nay, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh chỉ số trung bình điểm thi 9 môn Kỳ thi tốt nghiệp THPT giữa các địa phương trong cả nước.Việc đối sánh này có thể gây ra áp lực, nhưng cũng là một chỉ báo tốt giúp địa phương, trường học biết được vị trí của mình và cũng như nguyên nhân tạo nên thành công hay hạn chế của đơn vị nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - ngôi trường cấp 3 top 1 của tỉnh Hòa Bình

Giai đoạn 2017 - 2019, Bộ GD&ĐT đã so sánh xếp hạng các địa phương theo điểm trung bình tốt nghiệp, có sự tham gia 50% của điểm trung bình cả năm lớp 12 nên chưa phản ánh đứng thực chất chất lượng đầu ra học sinh. Chẳng hạn, năm 2019, nếu so sánh điểm xét tốt nghiệp thi Nam Định đứng đầu, nhưng khi so sánh trung bình 9 môn thi thì Bình Dương đứng đầu cả nước.

Vì vậy, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi 9 môn của các đia phương với nhau. Qua kết quả đối sánh ba năm (2020 – 2022) cho thấy, cả nước chia làm 3 nhóm địa phương: Nhóm các địa phương có cải thiện thứ hạng vượt bậc; nhóm địa phương có thứ hạng ổn định và nhóm địa phương tụt hạng khá rõ

11 địa phương tăng hạng vượt bậc: Các địa phương này có thứ hạng năm 2022 tăng so với năm 2020 (tăng 10 bậc trở lên), gồm: Bắc Giang (năm 2020 xếp thứ 49, năm 2021 xếp thứ 22, năm 2022 xếp thứ 11), Tuyên Quang (50, 31, 18); Yên Bái (55, 41, 30); Hòa Bình (58, 62, 33); Bắc Ninh (26, 19, 6); Nghệ An (38, 34, 23); Hà Tĩnh (24, 18, 9); Quảng Ninh (48, 35, 34); Thanh Hóa (39, 32, 27); Lào Cai (28, 24, 17) và Sơn La (59, 59, 49). Đây là những địa phương có nhiều huyện miền núi, khó khăn nhưng đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

36 địa phương thứ hạng ổn định: Đây là những địa phương có thứ hạng thay đổi không nhiều (tăng, giảm hạng trong phạm vi 10 bậc), gồm có: Phú Thọ (15, 10, 8); Vĩnh Phúc (9; 5; 2), Thái Bình (13; 12; 10), Hải Phòng (7; 11; 5), Nam Định (2; 2; 1), Ninh Bình (4, 3, 4); Hà Nam (5, 6, 7); Bình Dương (1, 1, 3); Bạc Liêu (8, 7, 14); TPHCM (6, 9, 13); An Giang (3, 4, 12); Vĩnh Long (13, 8, 19); Lạng Sơn (54, 48, 47); Quảng Bình (45, 49, 38); Quảng Ngãi (47, 50, 40); Hải Dương (21, 16, 15); Bình Định (27, 29, 21); Thái Nguyên (46, 43, 41); Cao Bằng (57, 61, 54); Tiền Giang (17, 14, 16); Thừa Thiên - Huế (29, 28, 29); Hưng Yên (35, 30, 35), Điện Biên (51, 56, 52); Lai Châu (56, 45, 57); Long An (22, 27, 26); Bến Tre (25, 17, 28); Hà Giang (60, 63, 63); Gia Lai (37, 36, 43); Ninh Thuận (52, 54, 58); Kiên Giang (43, 39, 50); Hà Nội (18, 25, 25); Kon Tum (36, 40, 44); Đắk Nông (53, 56, 61). Trong nhóm này có 12 địa phương từng lọt top 10, gồm Nam Định, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, An Giang, Thái Bình, TPHCM, Bạc Liêu, Vĩnh Long.

16 địa phương tụt hạng: Là những địa phương năm 2022 tụt hạng khá rõ so với năm 2020 (giảm 10 bậc trở lên), gồm: Lâm Đồng (10, 12, 20); Quảng Trị (41, 55, 51); Cần Thơ (11, 15, 22); Đồng Tháp (14, 13, 26); Khánh Hòa (34, 47, 46); Hậu Giang (42, 51, 55); Bình Thuận (42, 51, 55); Cà Mau (31, 37, 45); Bà Rịa – Vũng Tàu (16, 20, 31); Bắc Kạn (23, 33, 39); Tây Ninh (20, 26, 36); Phú Yên (44, 58, 60); Đồng Nai (32, 38, 48); Trà Vinh (40, 52, 59); Sóc Trăng (30, 44, 53); Bình Phước (33, 36, 56). Phần lớn các địa phương này do dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng và thiên tai lũ lụt nặng nề (Quảng Trị).

Mặc dù, chỉ số trung bình điểm thi 9 môn liên quan đến mục tiêu giáo dục toàn diện, nhưng đối sánh chỉ số này vẫn có một số hạn chế. Đó là, chất lượng giáo dục là cả một quá trình, không chỉ dựa trên một kỳ thi; dù là thi chung đề, chung thời gian, nhưng việc coi thi và chấm thi ở nhiều hội đồng khác nhau nên không tránh khỏi sự tác động chủ quan của con người. Tỷ lệ HS chọn KHXH và KHTN khác nhau, điểm thi các môn thuộc KHXH thường cao hơn KHTN (khoảng 2 điểm), trường học, địa phương có tỷ lệ HS thi tổ hợp KHXH cao có lợi thế về điểm hơn trường học, địa phương có tỷ lệ chọn tổ hợp KHTN cao.

Vì vậy, cần thực hiện đối sánh với nhiều chỉ số khác nhau như: Trung bình điểm thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, đối sánh thứ hạng từng môn thi và đối sánh chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi để biết mức độ đánh giá HS thực chất của địa phương trường học. Chẳng hạn, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục, nhưng trong việc đánh giá HS vẫn chưa sát với chất lượng. Năm 2022, thứ hạng điểm học bạ các môn luôn ở tốp đầu, nhưng thứ hạng điểm thi một số môn thấp như: Hóa (thứ hạng học bạ: 1; thứ hạng điểm thi: 58); Sinh (1, 58); Lý (1, 28); Sử (2, 18); Địa (4, 37); Giáo dục công dân (5, 39); Ngữ văn (6, 19); Toán (5, 11) và Ngoại ngữ (2, 4)./.