Ngay sau khi Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa 14 thông qua. Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai, ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 03/4/2019 triển khai thi hành Luật Trồng trọt. Với mục tiêu phổ biến sâu rộng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm sớm đưa các quy định của Luật vào thực tế đời sống. Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thi hành Luật, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu và triển khai thi hành Luật; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể lồng ghép giới thiệu Luật Trồng trọt. Theo đó, đã tổ chức 02 hội nghị cấp tỉnh, 10 hội nghị cấp huyện để phổ biến, giới thiệu Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các đơn vị liên quan với trên 1.000 người tham gia; lồng ghép nội dung tại các buổi họp và học tập, sinh hoạt chuyên đề với trên 5.000 lượt người tham gia. Triển khai tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Trồng trọt thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hội thảo, hội nghị, hội thi tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp pháp luật; tổ chức các tọa đàm, đêm văn nghệ, sân khấu hóa các tiểu phẩm tuyên truyền...; chuyên mục khuyến nông; trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức của cơ quan, đơn vị, cán bộ và người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ. Ngoài ra, thường xuyên đăng tải và cập nhật nội dung của Luật Trồng trọt, các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên các website: https://sonongnghiep.hoabinh.gov.vn/; https://trongtrotvabaovethucvat.hoabinh.gov.vn/.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động trồng trọt được chú trọng. Từ 2020 cho đến nay, đã tổ chức 09 lớp bồi dưỡng chuyên môn về phân bón cho 263 người có nhu cầu kinh doanh, buôn bán phân bón. Tổ chức triển khai 09 lớp tập huấn ToT cho các học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, công tác viên khuyến nông và nông dân tiêu biểu với tổng số 325 học viên. 17 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa và kỹ thuật ủ phân với 850 người tham gia. Tổ chức 35 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực trồng trọt với tổng số 1.018 học viên. Tổ chức 09 cuộc diễn đàn, tọa đàm Khuyến nông @ Nông nghiệp liên quan đến hoạt động trồng trọt với tổng số trên 800 lượt người tham gia. Biên soạn và phát hành 02 tờ gấp, tờ rơi phổ biến kỹ thuật trồng trọt.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ứng khoa học công nghệ trong trồng trọt chủ yếu là giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp dự báo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Đưa vào vận hành phần mềm quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng tại địa chỉ https://quanlysaubenhhoabinh.com/public/index và phần mềm bản đồ thổ nhưỡng và phân tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tại địa chỉ https://datnongnghiep.hoabinh.gov.vn/public/bando. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT) trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý MSVT quốc gia. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tự động trong sản xuất. Sử dụng các giống ngô biến đổi gen như NK4300 Bt/Gt, DK6919S, DK9955S, NK7328 Bt/Gt... nhằm tăng năng suất và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu tại các vùng trồng ngô trọng điểm cẩu tỉnh, quy mô sử dụng khoảng 5.000 ha. Triển khai nhân rộng sử dụng các giống lúa có khả năng kháng bệnh tốt được chọn tạo bằng phương pháp lai backcross như BC15 kháng đạo ôn, TBR225 kháng bạc lá vào sản xuất đại trà tại địa phương với quy mô diện tích gieo trồng áp dụng trên 10.000 ha. Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học qua quá trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt, Tricodecma... để trừ sâu bệnh hại trong sản xuất trồng trọt. Ứng dụng sản phẩm được tạo ra từ công nghệ Nano (Nano Đồng, nano Bạc, nano Chitosan) trong phòng trừ bệnh hại cây trồng. Diện tích áp dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 ha/năm. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh và nhân giống trong nhà lưới 3 cấp ngăn chặn các dịch hại nguy hiểm, sản xuất giống phục vụ nhu cầu giống thực hiện Đề án tái canh cay có múi tỉnh Hòa Bình. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô đưa vào sử dụng đại trà giống mía tím, mía trắng nuôi cấy mô thay thế giống mía cũ đã bị thoái hóa tại địa phương, cho năng suất và chất lượng mía cao hơn. Diện tích áp dụng trên 400 ha/năm. Triển khai phổ biến, ứng dụng kết quả của các đề tại khoa học công nghệ được triển khai tại địa phương đã được nghiệm thu.
Hàng năm, căn cứ Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và trên cơ sở nhu cầu đăng ký chuyển đổi của các huyện, thành phố. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại tỉnh Hòa Bình. Giao cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện hướng dẫn chuyển đổi; ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi tại địa phương đúng quy định. Kết quả chuyển đổi cơ cấu trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2020 - 2023, tổng diện tích lũy kế chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đạt 8.886,37 ha trong đó chuyển đổi sang cây hàng năm 8.189,69 ha; chuyển đổi sang cây lâu năm 336,21 ha; chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 24,26 ha. Một số mô hình, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao như chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu cho thu nhập trung bình 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng mía tím tại huyện Cao Phong, Tân Lạc cho thu nhập 140 - 180 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi trồng khoai lang cho thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng/ha/năm. Mô hình liên kết nông dân với các công ty sản xuất giống, sản xuất cây lấy hạt giống mướp đắng, dưa chuột… tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn cho thu nhập khá trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình chuyển đổi trồng ngô sinh khối tại Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đặc biệt những diện tích trồng lúa kém hiệu quả giúp tiết kiệm, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước mặt ở những khu vực khô hạn, khó khăn lấy nước đổ ải, tưới dưỡng lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vẫn đảm bảo kế hoạch diện tích, sản lượng cây lương thực có hạt; trong khi đó các cây trồng được chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế khá đến cao, khuyến khích người mở rộng diện tích chuyển đổi, tạo thành các vùng chuyển đổi tập trung sản xuất hàng hóa. Góp phần gia tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và thúc đẩy kinh tế địa phương./.