DetailController

Giáo dục

Tỉnh Hòa Bình tăng cường giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh

11/09/2023 16:30
Hòa Bình có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75% tổng dân số. Do đó, hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của ngành Giáo dục tỉnh. Xác định nhiệm vụ trên, thời gian qua, Ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giáo dục học sinh kiến thức cơ bản về truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số, giáo dục ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trường THPT Quyết Thắng lồng ghép, giới thiệu văn hóa dân tộc Mường vào các tiết học ngoại khóa nhằm tạo hứng thú cho các em học sinh.

Toàn tỉnh hiện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, 9 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Các trường dân tộc nội trú, bán trú thường xuyên xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh, như: Chương trình giao lưu văn nghệ, câu lạc bộ, lồng ghép các buổi sinh hoạt định kỳ. Việc đưa nét đẹp văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mường nói riêng vào trường học như một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích không chỉ giúp công tác giáo dục trở nên sinh động, hấp dẫn; còn là nhịp cầu tạo sự gắn bó, gần gũi giữa những người đam mê nghệ thuật truyền thống với lớp trẻ. Qua mỗi chương trình, học sinh có thể dần hình thành thói quen tìm hiểu và quan tâm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc dạy tiếng dân tộc cho các đối tượng trên địa bàn huyện, nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục đặc thù cho học sinh dân tộc thiểu số. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn đã được nâng lên. 100% trường mầm non thực hiện tốt việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Tiêu biểu như: Trường Tiểu học Pà Cò (Mai Châu) xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua mô hình Nông trại trường học; Trường Tiểu học Thị trấn Mai Châu có mô hình trường học gắn vởi bản sắc văn hoá địa phương. Nhiều trường sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động; tổ chức ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”.

Thực hiện Quyết định số 1349/QĐ-UBND, ngày 28/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Đề án “Dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, đến nay, tất cả các trường mầm non tổ chức giáo dục ngoại khoá, tìm hiểu văn hoá, ẩm thực quê hương. Các trường Trung học và Trung học cơ sở tổ chức cho học sinh tìm hiểu, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thông qua các chương trình Lịch sử địa phương. Đồng thời, tổ chức các mô hình đổi mới quản lý trong dạy học như: “Trường học với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Mường”. Thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo hoạt động thư viện theo hướng "Thân thiện - Gắn kết - Hiệu quả"; trường học với "Truyền thống lịch sử” giúp các em học sinh hiểu sâu sắc về quê hương, dân tộc mình. Các hoạt động đã củng cố vốn ngôn ngữ dân tộc thiểu số và giới thiệu các phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, truyện dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.