Cụ thể, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nhân lực và phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Thế mạnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách du lịch. Trong đó, ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi... Hiện nay các tập đoàn có thương hiệu như Sun Group, Vin group, Apec… đã đến để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và phát triển loại hình du lịch thể thao như: chơi golf, đua xe đạp địa hình, bay dù lượn.
Đối với thị trường khách quốc tế chủ trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; Sản phẩm du lịch làng nghề thủ công truyền thống; Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, cụ thể là xây dựng được thương hiệu và hình ảnh cho bản Lác, bản Văn, Bản Hang Kia – Mai Châu, xóm Ngòi - Tân Lạc, xóm Đá Bia – Đà Bắc trở thành các điểm đến hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng các trang trại trồng các loại cây ăn quả, các trang trại trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư xây dựng. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu từ xây dưng. Từ các tuyến đường kết nối, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Xây dựng, nâng cấp các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ Hòa Bình và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước.
Nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch, từ năm 2022 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số trường Đại học và Cao Đẳng Du lịch tổ chức 5 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch với gần 200 học viên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 đã tổ chức 2 lớp tập huấn tiếng Anh và kỹ năng về dịch vụ du lịch cộng đồng OCOP học viên thuộc 03 xã vùng cao huyện Tân Lạc và Mai Châu với tổng số 50 học viên. Tổ chức cho đoàn công tác cán bộ và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình đi học tập mô hình quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh xã hội hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ các tổ chức, doanh nghiệp cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Tạo điều kiện để các hãng lữ hành, nhà đầu tư, cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đến khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình, viết bài nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế... đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tích cực tham dự một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh hằng năm, qua đó đã giới thiệu tiềm năng du lịch Hòa Bình để thu hút đầu tư và liên kết thị trường khách du lịch. Đặc biệt, tháng 3 năm 2022, đã ký Thỏa thuận về Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để xúc tiến quảng bá và hợp tác phát triển du lịch của tỉnh. Tổ chức đón được hơn 10 đoàn Famtrip và Presstrip gồm nhiều các Công ty lữ hành quốc tế và nội địa có thương hiệu lớn và phối hợp với các cơ quan truyền thông đến từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... để khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối thành các Chương trình du lịch để thu hút khách đến tỉnh.
Tỉnh quan tâm, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để đạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Đã xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh Hòa Bình có địa chỉ http:/hoabinh.tourism.vn để quảng bá du lịch chung của tỉnh. Tại cổng du lịch thông minh đã số hóa 360 được 33 điểm, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh và trên 300 tin bài, ảnh, bài dịch tiếng Anh đăng tại trang Cổng thông tin Du lịch thông minh của tỉnh Hòa Bình để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hòa Bình. Nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch đã chủ động xây dựng các trang Web riêng để giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch của đơn vị và kết nối với các trang mạng xã hội để thu hút khách du lịch đến với Hòa Bình.
Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng nặng nền hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đã có nhưng bước tăng trưởng bình quân khá tốt và ổn định trở lại. Năm 2023, toàn tỉnh đón 3.800.000 lượt khách tham quan du lịch, so với cùng kỳ năm trước 2022 tăng 21,5%, đạt 108,6% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế là 450.000 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 227,2%, đạt 100% kế hoạch năm; khách nội địa là 3.350.000 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 12%, đạt 109,8% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,7%, đạt 102,6% kế hoạch năm. Tính đến này toàn tỉnh đã có 490, trong đó 49 khách sạn, 245 nhà nghỉ, 196 homestay đạt tiêu chuẩn phục khách du lịch; có 8 Điểm du lịch địa phương, 1 Khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; có 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 16 doanh nghiệp lữ hành nội địa; có trên 200 xe điện và trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ khách./.