DetailController

Thời sự trong ngày

Tỉnh Hòa Bình nỗ lực đưa nông sản chất lượng cao xuất khẩu

20/03/2023 17:30
Xác định nhóm nông, lâm, thủy sản là nhóm mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Đến nay, một số sản phẩm của tỉnh đã được xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao, như: Gạo, cây ăn quả có múi, mía, thanh long, nhãn; các sản phẩm từ chăn nuôi là trâu, bò, lợn, gà, cá nuôi lồng; gỗ rừng trồng có chu kỳ sản xuất trên 8 năm.
Ngày 19/3, 20 tấn mía tươi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định tự do thương mại, đây là cơ hội cũng là thách thức đối với sản phẩm nông sản. Các sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu là sản phẩm tươi, sống, do đó gặp hạn chế rất nhiều trong khâu vận chuyển, thương hiệu và cạnh tranh về giá. Để đảm bảo chất lượng an toàn cho từng sản phẩm, đa dạng các sản phẩm qua chế biến; các cấp, các ngành trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản. Qua đó đã tạo thuận lợi đưa các sản phẩm chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hòa Bình hiện đã có 9 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 21 mã số vùng trồng cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha và sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đặc biệt, ngay trong quý I, năm 2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Tiến Ngân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ xuất lô hàng mía tươi đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, với số lượng 20 tấn. Nguyên liệu là mía xuất khẩu được thu mua tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn. Dự kiến trong năm 2023, Công ty tiếp tục xuất khẩu khoảng từ 300 - 500 tấn mía sang thị trường nước ngoài. Thành công bước đầu này sẽ tạo tiền đề để Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, góp phần vào sư nghiệp phát triển ngành công nghiệp mía đường trung của tỉnh.

Với những lợi thế, tỉnh tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản. Không chỉ tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh tại Nhật Bản. Tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình xúc tiến thương mại tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU kết nối với các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong, ngoài tỉnh; Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài... Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu. Từ chỗ thụ động, tỉnh đã chủ động hoàn toàn trong việc giới thiệu, kết nối sản phẩm. Quý I/2023, đã có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức. Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92%. Đến nay, toàn tỉnh có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.

Những kết quả tích cực đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ các chủ thể sản phẩm nông sản xây dựng website bán hàng, quảng cáo sản phẩm, hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc. Như vậy, các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản dễ dàng chứng minh được năng lực sản xuất, chất lượng, sản lượng và tính ổn định của sản phẩm thông qua thông tin, nhật ký điện tử. Sản phẩm cũng sẽ không bị đánh đồng với những sản phẩm cùng loại kém chất lượng và không thực hiện truy xuất nguồn gốc. Từ đó, gia tăng thương hiệu, giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều. Ngày nay, các sản phẩm nông sản, đặc trưng của tỉnh ngày càng đa dạng, nhiều mẫu mã được người tiêu dùng lựa chọn. Toàn tỉnh có 123 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, hình thành trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Để tiếp tục phát huy những đặc trưng, lợi thế có sẵn của địa phương và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục quan tâm, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đổi mới cách làm xúc tiến đầu tư thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành thông qua phát triển hạ tầng cơ sở và logistics và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các cấp, các ngành chủ động phối hợp với các ngân hàng, các nhà đầu tư gia tăng các nguồn vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp ngang tầm yêu cầu phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tại các nước: Mỹ, EU, Anh Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...