DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Tỉnh Hòa Bình định hướng thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh

24/09/2021 00:00
Thực hiện chuyển đổi số bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp khai thác được tiềm năng phát triển nông nghiệp; thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành, phát triển sản xuất, xây dựng đô thị thông minh; nhằm tạo ra những giá trị mới dựa trên sự chuyển đổi toàn diện ở nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xây dựng vùng xanh an toàn, sản xuất an toàn… Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần FPT thực hiện các bước chuyển đổi số hướng tới mục tiêu tạo đột phát trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền, đô thị thông minh, phát triển dịch vụ thương mại, điển tử, huy động doanh nghiệp các thành phần kinh tế tham gia quá trình chuyển đổi số.
Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn tỉnh về quá trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Để có thể đạt được các mục tiêu về chuyển đổi số theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hòa Bình định hướng thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Trong đó tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ: Sớm ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chủ trương, định hướng, xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và cân đối các nguồn lực để tổ chức thực hiện; đề xuất phương án bảo đảm kinh phí hàng năm cho chuyển đổi số.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quán triệt, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số tới các cấp ủy Đảng, chính quyền. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cấp thiết và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số. Trước mắt phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ thông tin để tổ chức các Hội thảo, Hội nghị trao đổi về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình. Chú trọng phát triển các nền tảng số, hạ tầng thông tin, viễn thông tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh, tập trung vào các đô thị lớn của tỉnh, khu công nghiệp, nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện; xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp; sử dụng triệt để các hệ thống tập trung, dùng chung của tỉnh tránh trùng lặp. Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị, tại khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và nhân dân.

Ưu tiên phát triển chính quyền số để thúc đẩy, dẫn dắt chuyển đổi số trong xã hội. Tập trung chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước; hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh để triển khai thử nghiệm một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước. Cần tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xây dựng các quy định, quy chế bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp; tổ chức bộ máy; các hệ thống giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Về phát triển kinh tế số định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn; ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất, kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số… Về phát triển xã hội số cần định hướng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nhờ chuyển đổi số; lựa chọn một số xã/phường triển khai thí điểm chuyển đổi số, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Văn hóa và du lịch, Giao thông vận tải và logistics, Tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp./.