Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình đã đón trên 1,68 triệu khách tham quan, du lịch, tăng 56,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 60.000 lượt, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm. Khách nội địa 1,62 triệu lượt, tăng 57,2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 115,4% so với cùng kỳ, đạt 79,2% kế hoạch năm
Bên cạnh lợi thế để phát triển du lịch, sự đầu tư về hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Hòa Bình phát triển.
Theo kế hoạch, giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch. Trong đó, trọng điểm là dự án mở rộng mặt đường quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình lên 80 - 110m, quy mô 6 làn xe với tổng vốn đầu tư khoảng 8.100 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý IV. Cùng với đó, Bộ Giao thông và Vận tải cũng vừa thông qua đề xuất xây dựng đoạn đường dài gần 7 km, rộng 120 m với quy mô 6 làn xe, nối đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ gồm cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường Vành đai 5 tại thủ đô đi qua huyện Lương Sơn, dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình...Với những thế mạnh về du lịch và tiềm năng hiện hữu, thị trường bất động sản nơi đây đang thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia như VinGroup, Sun Group, Geleximco, T&T, Flamingo... có kế hoạch đầu tư các dự án quy mô. Điều này đã góp phần thay đổi diện mạo và giúp thị trường bất động sản tỉnh ngày càng trở nên sôi động.
Đề cập đến các cơ chế chính sách “giữ chân” nhà đầu tư ở lại phát triển du lịch lâu dài với tỉnh Hòa Bình, hiện tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách thông thoáng. Cụ thể, tỉnh đã ban hành chính sách miễn tiền thuê đất 11 - 15 năm; miễn, giảm từ 10% đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án thuộc các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. “Để tạo thuận lợi hơn cho du khách và các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng với khu vực hồ Hòa Bình, tỉnh vừa đầu tư xây dựng tuyến đường 345 dài khoảng 30 km đi từ thành phố Hòa Bình xuống khu vực lòng hồ, tuyến đường còn đi qua các địa danh có thể phát triển thêm các khu du lịch sinh thái ven hồ như xã Bình Thanh, Thung Nai (huyện Cao Phong) đến xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc)…”,
Để du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, hiện tỉnh Hòa Bình đang kêu gọi các nhà đầu tư “chung tay”, phát triển du lịch tại hồ Hòa Bình. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 12 dự án của nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư du lịch tại hồ Hòa Bình. Tổng vốn đầu tư cho 12 dự án này là 8.900 tỷ đồng. Theo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hoà Bình đã đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút đầu tư đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng, cơ sở lưu trú đạt trên 6.000 phòng, lượng khách đạt 4,9 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm từ 30 đến 40% cơ cấu GRDP toàn tỉnh./.