Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu…, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, cấp thôn được nâng cao. Tổng nguồn vốn kế hoạch huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh từ năm 2021-2023 là 8.935,8 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách Trương ương 313,08 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp ngân sách Trương ương 87,645 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương 1.128,3 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cho các xã 3.004,5 tỷ đồng. Vốn Tín dụng 3.856,21 tỷ đồng. Vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 208,32 tỷ đồng. Vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 337,85 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có thêm 17 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2021 là 9 xã, năm 2022 là 8 xã), có thêm các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu... Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 73/129 xã. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 28 xã. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 01 xã. Có 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới: Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Bộ tiêu chí về nông thôn mới; duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các địa phương đã đạt những kết quả những kết quả quan trọng, đến nay, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 73 xã. Kết quả thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025, số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là 56 xã; dự kiến hết năm 2023 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 79 xã, đạt được 82,1% tổng số xã (23/28 xã) đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 được giao theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ (thêm 28 xã để đạt 65% tổng số xã – 84/129 xã) và đạt được 65,7% tổng số xã (23/35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch của tỉnh đề ra (thêm 35 xã để đạt 70% tổng số xã – 91/129 xã). Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 114 sản phẩm với 22 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 92 sản phẩm đạt hạng 3 tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ...; nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen... sản phẩm từ thổ cẩm đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu… tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, quảng bá, kết nối giao thương các sản các sản phẩm OCOP với các tỉnh bạn... Tiếp tục triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Triển khai thực hiện Mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Triển khai mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến, sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu và chế phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm sò vàng - Tamogi (Pleurotus citrinopileatusSinger) góp phần nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cho vùng trung du phía Bắc. Xây dựng mô hình thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới: Mô hình “Du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”. Triển khai xây dựng các mô hình thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và nước sạch trong xây dựng nông thôn mới./.