DetailController

Kinh tế

Tình hình triển khai công tác Hội nhập kinh tế quốc tế 6 tháng đầu năm 2023

18/07/2023 16:30
Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế, tiếp tục triển khai ban hành, điều chỉnh, cập nhật văn bản của tỉnh nhằm thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Chính phủ về hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Tập đoàn Meiko (Nhật Bản) nhằm thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp của tỉnh

Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tuyên truyền và quảng bá hình ảnh về các hoạt động đón tiếp và thăm quan các đoàn khách quốc tế, các hoạt động ngoại giao của các tổ chức đoàn thể và địa phương các đơn vị được đổi mới đa dạng phong phú giúp cộng đồng quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ hơn về tỉnh Hòa Bình, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh...

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới bằng 80,8%, số vốn đăng ký bằng 38,5%. Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Có 16 dự án trong nước được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký là 2.200 tỷ đồng; quyết định chấm dứt hoạt động đối với 07 dự án và thông báo dừng hoạt động đối với 01 dự án đầu tư. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có tổng số 731 dự án; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 608 triệu USD và 694 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 201.791,4 tỷ đồng. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 107 dự án đầu tư còn hiệu lực . Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 11.067 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,3% so với kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 707 lao động, tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (trong đó có 08 dự án đang triển khai thực hiện, 04 dự án chuẩn bị đầu tư). Tổng mức đầu tư các chương trình, dự án là 12.064.987 triệu đồng, trong đó vốn ODA là 8.263.757 triệu đồng, vốn đối ứng là 3.801.230 triệu đồng. Các dự án được giao kế hoạch vốn trong năm 2023 là 534.888 triệu đồng, trong đó vốn ODA là 384.520 triệu đồng, vốn đối ứng là 150.368 triệu đồng. Tổng số vốn giải ngân đến tháng 5/2023 là 51.322 triệu đồng, trong đó vốn ODA là 37.288 triệu đồng, vốn đối ứng là 14.034 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 64 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 771,470 triệu USD tăng 11,79% so với cùng kỳ tăng đạt 45,51% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 582,654 triệu USD tăng 9,4% so với cùng kỳ đạt 47,41% kế hoạch năm.

Công tác quản lý và phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp được nâng cao, trong 6 tháng đầu năm 2023, BCĐ kinh tế tập thể đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Thịnh Minh 1 vào Quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025 và rà soát cập nhật quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch 37 CCN với tổng diện tích khoảng 2.252,37 ha đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 330/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nhằm góp phần tạo động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế đạt được các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2023 các chương trình triển khai, thực hiện chính sách được tiếp tục đẩy mạnh như: Thực hiện triển khai đánh giá, phân loại hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại trong nông nghiệp trên địa bàn; phân bổ nguồn vốn đạo tạo nghề Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2023; Xây dựng các nội dung và kinh phí triển khai Chương trình OCOP năm 2023, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng chu trình thường niên; phối hợp với Văn phòng Điều phối Trung ương cập nhật dữ liệu vào Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia...

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong sản xuất, tiêu thụ các nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP, đồng thời đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển chế biến và bảo quản nông sản, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản; ban hành các văn bản về hoạt động xuất khẩu, an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu... Đến nay, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 56,6% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu.

Bên cạnh đó, công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài được thực hiện tốt, tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 06 chương trình/dự án mới với tổng giá trị cam kết khoảng 2,078 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 chương trình/dự án với tổng giá trị cam kết viện trợ là 31,778 triệu USD từ 16 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển, nhà tài trợ. Các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông thôn tổng hợp, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội. Các chương trình, dự án thuộc nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tuy có quy mô nhỏ nhưng có những hoạt động thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, xác định được đúng đối tượng, mục tiêu để thực hiện hỗ trợ nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân hưởng lợi từ dự án.

Công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai khẩn trương, kịp thời và hiệu quả như:  Triển khai thực hiện Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023-2026. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Thông tư Liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC; Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023-2026... Giới thiệu cho 18 doanh nghiệp đã được cấp phép vào các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Ả rập xê út, Đài Loan và Liên Bang Nga.Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 01 năm 2023, tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản.Gia hạn thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng viên đi học tập, làm việc trong ngành Điều dưỡng đa khoa tại CHLB Đức. Thông báo cho người lao động đạt qua thi tuyển lần 2 hoàn thiện hồ sơ đi làm việc tại Hàn Quốc; Tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi, thông báo thời gian, địa điểm tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm 2023 theo Chương trình EPS đợt 1 năm 2023. Rà soát danh sách người lao động đi làm việc tại hàn quốc theo chương trình EPS đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc./.