DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tình hình thực hiện luật người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi năm 2023

27/11/2023 16:30
Hiện nay tỉnh Hòa Bình có 112.488 người cao tuổi, so với dân số toàn tỉnh là 869.050 người; tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 12% dân số trong tỉnh. Mỗi năm, trong tỉnh tăng hơn 1.000 người cao tuổi. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho tỉnh Hoà Bình nói riêng trong việc thích ứng với già hóa dân số, đó là chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, công tác phát huy vai trò người cao tuổi khi người cao tuổi chiếm 13 - 15% dân số vào năm 2030.
Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo theo quy định

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, tình hình chính trị ổn định, kinh tế có bước phát triển, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các lĩnh vực văn hoá xã hội có bước phát triển mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, trong đó có người cao tuổi (NCT). Lớp NCT luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiệt tình tham gia các phong trào do Trung ương Hội NCT Việt Nam và Tỉnh phát động, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” hiến kế, hiến công xây dựng quê hương, đất nước, góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển tỉnh nhà. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Bố trí giường ưu tiên cho người cao tuổi điều trị nội trú. Giao nhiệm vụ cho các Trạm Y tế tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, hàng năm khám sức khoẻ ban đầu cho 100% người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ người cao tuổi tại Trạm Y tế xã. Đặc biệt Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố tổ chức các hoạt động “Mắt sáng cho người cao tuổi”, hàng năm có hàng nghìn người cao tuổi được phẫu thuật nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động các nội dung về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hệ thống Y tế - Dân số phối hợp với Hội người cao tuổi cùng cấp thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi được triển khai trên hệ thống loa phát thanh của xã và lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt người cao tuổi tại các câu lạc bộ người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, trong các buổi hội nghị, hội thảo, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp và các buổi giao lưu văn nghệ lồng ghép các thông điệp truyền thông tại cộng đồng, cơ sở. Hiện nay trên toàn tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh đều triển khai phối hợp Hội người cao tuổi cùng cấp để tổ chức chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện sắp xếp, phát số khám bệnh ưu tiên khám bệnh cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên và bố trí giường nằm phù hợp khi người cao tuổi điều trị nội trú tại các khoa phòng. Trong năm 2023, có trên 246.188 lượt người cao tuổi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; 33.385 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ; 46.475 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 150 giường điều trị ưu tiên cho người cao tuổi; 95,953 người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 10.207 người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện; số người cao tuổi được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe đạt trên 82.263 người.

Năm 2023, thực hiện Chương trình phối hợp và kế hoạch tổ chức Liên hoan tiếng hát  Người cao tuổi cho Hội viên người cao tuổi đến từ 10 huyện, thành phố với 20 tiết mục văn nghệ đặc sắc được dàn dựng công phu, sáng tạo. Với 2 thể loại là ca, ca kịch về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại; truyền thống yêu nước của nhân dân ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vai trò, vị trí, đóng góp của người cao tuổi trong các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào "Tuổi cao - gương sáng”, người cao tuổi tham gia xây dựng gia đình văn hoá, gia đình kiểu mẫu. Kết quả Ban tổ chức đã trao 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 8 giải khuyến khích cho các tiết mục thuộc thể loại ca, ca kịch. Ban đại diện Hội huyện Cao Phong xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch dành riêng cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh; các giải thể thao dành cho các cán bộ hưu trí, người cao tuổi được tổ chức thường xuyên đã thu hút đông đảo vận động viên tham gia tập luyện để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ, hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng, với phương châm “Sống vui - Sống khỏe - Sống có ích”. Trong đó các câu lạc bộ (CLB) thu hút người cao tuổi tham gia gồm có: 215 CLB môn bóng chuyền hơi, 135 CLB cầu lông, 50 CLB bóng bàn và các CLB thể dục dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông… có mặt ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. Đảm bảo thực hiện chế độ chính sách đối với người cao tuổi, 100% người cao tuổi đủ điều kiện được hưởng chính sách Bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Hiện toàn tỉnh có 14.521 người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội. Trong đó có 4.593 người cao tuổi dưới 80 tuổi là đối tượng cô đơn, khuyết tật; 9.928  người cao tuổi là đối tượng 80 tuổi trở lên; 100% người cao tuổi đã có bảo hiểm y tế./.