DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tình hình thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

07/07/2023 16:30
Những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có xu hướng tăng và gây ảnh hưởng đến nền nhiệt độ nói riêng và khí hậu nói chung trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt rét đậm và rét hại kéo dài, nhiều nơi ở vùng núi cao nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 100C, đặc biệt có nơi nhiệt độ xuống đến 3,80C; nắng nóng đặc biệt gay gắt xảy ra nghiêm trọng và kéo dài trên diện rộng, nhiệt độ lớn nhất xảy ra là 43,40C vượt mốc giá trị lịch sử của nhiều năm gần đây; tần suất dày hơn, liên tục, dồn dập và bất thường, gây ra thiệt hại về người, tài sản, các công trình hạ tầng, làm ảnh hưởng và khó khăn cho sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình khu vực hạ du trước và sau mưa lũ tại các hồ đập

Năm 2023, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường. Theo dự báo, thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra trên diện rộng, kèm theo đó là giông lốc, lũ quét, sạt lở đất hết sức khó lường., Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự  tỉnh đã tuyên truyền một số tài liệu hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét kèm theo mưa đá để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại tại website: phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tailieu-truyen-thong-pctt.aspx từ đó người dân biết cách phòng tránh. Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2023, kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2023 và kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình gửi các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân đối với công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu Chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn tỉnh trong công tác ứng phó, phòng chống với thiên tai; qua đó đã giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh. Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo địa bàn được phân công đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc trong công tác phòng chống thiên tai, thường xuyên có báo cáo gửi Lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai luôn chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở; cử lực lượng chốt giữ các ngầm tràn không cho người và phương tiện qua lại khi có nước lũ,..; tạm thời khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông; có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở; triển khai dọn dẹp vệ sinh, tiêu trùng khử độc chuồng trại, làm sạch nguồn nước.

Theo số liệu tổng hợp rà soát từ các địa phương, các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Các điểm xung yếu 11 vị trí đê điều xung yếu; 50 hồ chứa Thủy lợi có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 11 hồ chứa Thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai;.... Hầu hết, các điểm xung yếu đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân xung quanh. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo ứng phó thiên tai nhất là các điểm xung yếu, đảm bảo hiệu quả, kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2023.

Đối với các khu vực sạt lở, sạt trượt, trượt lở có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn tỉnh (sạt lở xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; sạt trượt đá lăn ở thôn Lạt, xã liên Sơn, huyện Lương Sơn , Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu các các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng phương án xử lý đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Toàn tỉnh có 04 công trình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang được triển khai các bước tiếp theo (trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập và trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu ; 01 công trình đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình. Trong năm 2022, Dự phòng ngân sách tỉnh đã trích 31,5 tỷ đồng; Quỹ Phòng chống thiên tai là 1,9 tỷ đồng để phục hồi sửa chữa một số công trình trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, trong đó: Khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 143 điểm với 3.298 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: huyện Tân Lạc 7 điểm 363 hộ bị ảnh hưởng; huyện Đà Bắc 15 điểm với 706 hộ; huyện Mai Châu 53 điểm với 624 hộ; huyện Cao Phong 23 điểm với 92 hộ; Thành phố Hòa Bình 12 điểm với 685 hộ; huyện Yên Thủy 12 điểm 144 hộ; huyện Lương Sơn 9 điểm 233 hộ; huyện Kim Bôi 8 điểm 201 hộ; huyện Lạc Sơn 4 điểm 191 hộ. Khu vực thường xuyên bị lũ ống lũ quét có 21 điểm với 167 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư bao gồm: huyện Mai Châu 80 hộ; huyện Cao Phong 01 hộ; huyện Yên Thủy 54 hộ; huyện Lương Sơn 14 hộ; huyện Kim Bôi 18 hộ. Khu vực thường xuyên bị ngập úng có 70 điểm với 1.750 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: Huyện Mai Châu 06 điểm với 111 hộ (các xã: ; huyện Lạc Thủy 740 hộ; huyện Cao Phong 8 hộ; huyện Yên Thủy 659 hộ; huyện Lương Sơn 209 hộ; huyện Kim Bôi 23 hộ.

Tỉnh đã bố trí phương án bố trí ổn định dân cư để đảm bảo an toàn trong các mùa mưa bão 2023: Tiếp tục thực hiện bố trí ổn định dân cư theo hình thức di chuyển tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2022-2023. Bố trí ổn định dân cư theo hình thức di dân tập trung: 28 khu tái định cư bố trí cho 915 hộ; bố trí ổn định theo hình thức di dân xen ghép 109 điểm bố trí 1.471 hộ; bố trí 102 điểm bố trí ổn định cho 2.829 hộ.

Để chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành khi có thiên tai xảy ra. Thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.