Từ tháng 01 đến ngày 20/6/2023, trên Biển Đông đã xuất hiện 01 áp thấp nhiệt đới vào ngày 05/5/2023 không gây ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Hoà Bình. Đã xảy ra 13 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, 02 đợt rét đậm trên diện rộng nhiệt độ thấp nhất đạt 4,90C (ngày 30/01/2023 ở huyện Lạc Sơn). Đã xảy ra 08 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều ngày nắng nóng cục bộ, nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử 43,40C (ngày 06/5/2023 ở huyện Lạc Sơn); hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra dông, tố, lốc xảy ra từ giữa tháng 3 cho đến nay đều đã được cảnh báo sớm từ 01 - 03 giờ. Đã xảy ra 04 đợt mưa lớn diện rộng và các ngày cục bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa ngày lớn nhất 125,7mm (ngày 13/6- 15/6/2023 ở huyện Kim Bôi); tổng lượng mưa 5 tháng đầu năm 2023 các nơi từ: 146 - 318mm; đều ít hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 56- 417mm.
Từ đầu năm 2023 đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại; mưa lớn kèm giông lốc xoáy đã xảy ra gây thiệt hại trên địa bàn các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong. Cụ thể như sau: không có thiệt hại về người; Thiệt hại về nhà ở: Do ảnh hưởng của mưa kèm dông lốc đã gây tốc mái 18 hộ, thiệt hại 102 viên phroximang; 0,17 ha lúa bị thiệt hại, diện tích hoa màu bị thiệt hại 10,65ha, một số diện tích cây trồng khác bị hư hỏng. Sét đánh làm chết 05 con bò; rét đậm rét hại làm chết 07 con trâu.
Thiệt hại về công trình: Công trình thuỷ lợi: Xói sân tràn và mố trụ cầu Bai Ráng, xóm Bùi Cút, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (diện tích xói khoảng 18m2, chiều sâu trung bình khoảng 1,5m); Hư hỏng, sạt lở một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc. Thiệt hại khác: Hư hỏng đường ống dẫn nước tập trung; cột điện đổ gẫy, sạt lở đá lăn,... Hư hỏng các thiết bị điện tử chuyên dụng. Đổ tường rào, hư hỏng một số vật dụng của người dân. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 4,4 tỷ đồng.
Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu Chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn tỉnh trong công tác ứng phó, phòng chống với thiên tai; qua đó đã giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh. Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo địa bàn được phân công đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc trong công tác phòng, chống thiên tai, thường xuyên có báo cáo gửi Lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.
Chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai luôn chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở; cử lực lượng chốt giữ các ngầm tràn không cho người và phương tiện qua lại khi có nước lũ,..; tạm thời khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông; có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở; triển khai dọn dẹp vệ sinh, tiêu trùng khử độc chuồng trại, làm sạch nguồn nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 vị trí đê điều xung yếu; 50 hồ chứa Thủy lợi có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 11 hồ chứa Thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai;.... Hầu hết, các điểm xung yếu đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân xung quanh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo ứng phó thiên tai nhất là các điểm xung yếu, đảm bảo hiệu quả, kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2023. Đối với các khu vực sạt lở, sạt trượt, trượt lở có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn tỉnh (sạt lở xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; sạt trượt đá lăn ở thôn Lạt, xã liên Sơn, huyện Lương Sơn), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu các các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng phương án xử lý đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng./.