DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019- 2024

19/08/2024 15:15
Giai đoạn 2019-2024, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những hiệu quả rõ nét mọi mặt đời sống, xã hội của tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp trung bình hàng năm từ 4,5-5%; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019- 2024 tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết quả xây dựng nông thôn mới đến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao và đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch được nâng cao, đời sống kinh tế-xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được thực hiện tốt; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy của cán bộ các cấp về nông thôn mới; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực chuyên môn về xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Tình đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng chu trình thường niên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên gồm có 02 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 15 sản phẩm hạng 4 sao, 96 sản phẩm hạng 3 sao. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 55 sản phẩm của 10 huyện, thành phố đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP gồm 40 sản phẩm mới, 15 sản phẩm đánh giá lại. Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 02 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 47 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ  về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có 14 xã thuộc khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 và đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông  thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Thời gian tới, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối chương trình và bộ máy giúp việc các cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nội dung, yêu cầu và những định hướng trong tổ chức thực hiện Chương trình; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, coi đây là một cuộc cách mạng về tư duy trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Quán triệt, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, đường lối của đảng về xây dựng nông thôn mới, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh; các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra; Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025. Quan tâm đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp; trong đó, có tiêu chí cần huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường. Tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn./.