DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Tình hình thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

01/03/2023 16:41
Năm 2022, tỉnh đã triển khai hiệu quả với mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, phấn đấu triển khai đầy đủ và đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đề ra. Chính quyền các cấp của tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai thực hiện. Theo đó, tất cả 9 nhiệm vụ giải pháp của kế hoạch và 07 nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2030 đều đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo xuất khẩu nông sản

Tỉnh triển khai hỗ trợ kinh phí xác lập quyền Sở hữu công nghiệp theo quy định đối với 20 văn bằng bảo hộ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng. Ban hành 07 văn bản cho phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ để các tổ chức tập thể đáp ứng điều kiện quy định tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Trong năm 2022, các cá nhân, tổ chức sản sản xuất, chọn tạo giống cây trồng trên địa bàn tỉnh không có đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 05 đơn vị sản xuất giống cây trồng gồm: Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản; Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Giống cây trồng Phương Huyền; Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình; Trung tâm nghiên cứu và SX ngô Sông Bôi  và Công ty TNNH MTV 2 – 9 Hòa Bình . Toàn tỉnh có khoảng trên 50 công ty, doanh nghiệp phân phối và 148 cửa hàng, đại lý buôn bán giống cây trồng. Một số giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ có diện tích gieo trồng lớn như: giống BC15, TBR225, Thiên ưu 8, VNR20, J02 đối với giống lúa; giống NK4300, NK7328, DK9955, NK66... Các giống ngô được các công ty, tổ chức nghiêm túc thực hiện đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 07 văn bản cho phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ để các cơ quan, tổ chức tập thể đáp ứng điều kiện quy định tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận . Tiếp tục duy trì nhãn hiệu chứng nhận do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý gồm: “Cá Sông Đà - Hòa Bình”, “Tôm Sông Đà - Hòa Bình”, “Mật ong Hòa Bình”, “Xạ đen Hòa Bình”. Đến nay, đã có 35 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, trong đó: 15 tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình"; 19 tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu "Mật ong Hòa Bình''; 01 Hợp tác xã được quyền sử dụng nhãn hiệu "Xạ đen Hòa Bình''. Riêng năm 2022, cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Mật ong Hòa Bình'' và 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Xạ đen Hòa Bình''.

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 23 sản phẩm của 22 chủ thể (gồm 14 Hợp tác xã, 03 doanh nghiệp, 01 Tổ hợp tác và 04 hộ có đăng ký kinh doanh) tham gia đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình . Công nhận đạt hạng 4 sao cho 02 sản phẩm (Măng nứa khô nấu ngay và Măng chua thái sẵn) và đạt hạng 3 sao cho 21 sản phẩm. 100% sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm OCOP tỉnh được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ cấp 21 mã số vùng trồng và 09 cơ sở đóng gói đảm bảo duy trì theo các tiêu chuẩn quy định, trong đó mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có 07 mã số, bao gồm vùng trồng nhãn (01 mã số); vùng trồng chuối (04 mã số), vùng trồng thanh long (02 mã số). Mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Úc có 02 mã số trên cây nhãn. Mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu sang thị trường EU có 12 mã số trên cây bưởi./.