Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn tỉnh đã gieo trồng 65,74 nghìn ha cây hàng năm, đạt 104,3% kế hoạch. Trong đó diện tích cây lương thực có hạt 34.35 nghìn ha, sản lượng ước đạt 17,9 vạn tấn. Cây hàng năm khác, như lạc, khoai lang, rau đậu tiếp tục mở rộng diện tích. Đến cuối năm 2021, diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng niên vụ đạt 166,7 nghìn tấn. Thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã công nhận 227 cây đầu dòng; đưa vào sử dụng 3 nhà lưới, dự kiến sản xuất khoảng 3 vạn giống cây có múi sạch bệnh trong tháng 8/2022. Đồng thời xác định 780 ha diện tích đang trong giai đoạn luân canh cải tạo đất, triển khai trồng tái canh giai đoạn 2022 - 2025. Tình hình sâu bệnh gây hại trên nhóm cây trồng ở mức độ nhẹ - trung bình. Các địa phương đang rà soát sớm diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá giai đoạn cây con để chủ động ngăn chặn, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng khác, kịp thời vụ sản xuất.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đạt tỷ lệ cao trên 90%. Đối với lúa đạt trên 95%; cây màu đạt trên 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy đạt thấp trên 20%; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt trên 55%.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tiến hành linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao. Ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh chuyển đổi được trên 1.300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác như: Ngô; rau đậu các loại và mía.
Đến nay, tỉnh đã chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, Hữu cơ cho 3.525 ha cây ăn quả, 561 ha rau các loại. Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình thu mua ngô sinh khối tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn với quy mô trên 200 ha mỗi vụ; mô hình liên kết sản xuất cây gai xanh AP của Công ty Cổ phần tập đoàn An Phước đã thu mua 200 ha nguyên liệu các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, dự kiến cuối năm 2022 đạt trên 500 ha. Bên cạnh đó, các mô hình cấp, giám sát mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói sản phẩm trồng trọt phục vụ xuất khẩu của tỉnh bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ xuất khẩu trên 1.000 tấn sản phẩm trồng trọt các loại bao gồm: Chuối, nhãn, bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi Diễn, mía tím, mía trắng sang thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Nhật Bản, EU.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm của trong vụ khoảng 8.805,7 nghìn con, đạt 102,4% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng gia súc, gia cầm 50151 tấn. Các địa phương đang tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin vụ Xuân Hè năm 2022 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Hiện đã triển khai tiêm phòng được 2,3 nghìn liều vắc xin Lở mồm long móng 6,6 nghìn liều Tụ huyết trùng, 100 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò, 34 nghìn liều vắc xin phòng dại cho đàn chó; kiểm dịch được 260 nghìn con trâu, bò, lợn, 9,9 triệu con gia cầm và 11 triệu quả trứng.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn và nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao được các hộ nuôi lồng đưa vào nuôi, như: Nheo Mỹ, Chiên, Lăng chấm, Diêu hồng, cá Trắm đen, cá Bỗng… Sản lượng thủy sản thu hoạch của toàn vụ đạt 6.160 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 961 tấn, sản lượng nuôi đạt 5.199 tấn. Các cơ sở sản xuất cá giống tiếp tục chăm sóc phòng bệnh, sản xuất cá giống. Nhiều địa phương đang tiến hành tu sửa ao, hồ và lồng cá để nuôi mới.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và triển khai Đề án phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030, các địa phương tiếp tục gieo ươm, chăm sóc cây giống các loại, đảm bảo chất lượng phục vụ kế hoạch trồng rừng năm. Toàn tỉnh đã sản xuất được 15 triệu cây giống lâm nghiệp, trồng rừng tập trung được 2.889 ha, trồng 408 nghìn cây phân tán các loại. Dự kiến cả năm trồng được 5.720 ha rừng, đạt 100% kế hoạch năm. Đã khai thác 1,97 nghìn ha rừng trồng tập trung với khối lượng trên 248 nghìn m3 gỗ và tận thu được 155 nghìn ste củi, 6,5 triệu cây bương tre, luồng, nứa các loại, 11 nghìn tấn măng, 374,34 tấn dược liệu... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 325.216 triệu đồng. Song song với nhiệm vụ trồng và khai thác, ngành Lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó đã phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, chủ yếu là vi phạm quy định về quản lý lâm sản và quản lý rừng, thu nộp ngân sách 231 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông lâm thủy sản tiếp tục được tăng cường. Cơ quan chức năng đã thẩm định và cấp 22 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán kinh doanh vật tư nông nghiệp; 12 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 1 giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 2 cơ sở có mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền là 6 triệu đồng. Kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kết quả cho thấy các cơ sở cơ bản chấp hành tốt quy định pháp luật./.