Trong tháng, sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt về lượng nước tưới cho các loại cây trồng tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn là 8.252,09 ha, trong đó cây lúa bị hạn là 3.827,89 ha; cây màu 2.962,1 ha; cây ăn quả 871,9 ha; cây mía 590,7 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi triển khai các phương án chống hạn cung cấp nước tưới cho các diện tích sản xuất nông nghiệp nhất là các diện tích trồng lúa đang thời kỳ trổ bông.
Đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng cây hàng năm được 44.041,2 ha, bằng 70,4 % so với kế hoạch. Các địa phương đang tích cực làm cỏ, bón phân, chăm sóc cho diện tích lúa và cây màu đã gieo trồng, tập trung gieo trồng những diện tích cây màu như mía, sắn, rau các loại ... đảm bảo trong khung thời vụ. Đối với cây ăn quả có múi đang giai đoạn đậu quả, tiếp tục bón phân, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh; các loại cây rau màu khác sinh trưởng phát triển bình thường, các địa phương chủ động tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh; các loại cây Nhãn, vải giai đoạn nở hoa - đậu quả; chè phát triển búp - thu hái.
Tình hình nuôi cá lồng bè trên thủy điện sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, người dân đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, cá sinh trưởng phát triển tốt. Tổng diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ là 2.698ha và 4.900 lồng nuôi cá, lồng nuôi cá tăng 200 lồng; sản lượng cá thu hoạch trong tháng ước đạt 1.020 tấn, trong đó sản lượng cá khai thác 160 tấn, sản lượng cá nuôi 860 tấn, sản lượng cá thu hoạch 4 tháng năm 2023 ước đạt khoảng 4.083 tấn, trong đó sản lượng nuôi 3.437 tấn, khai thác là 646 tấn. Các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất, sản lượng cá giống ước đạt trên 43 triệu con giống các loại.
Từ đầu năm đến nay không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 51,5%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy rừng tại các huyện Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc, diện tích rừng bị cháy khoảng 5,315 ha. Các đám cháy đã được phát hiện sớm, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy kịp thời do vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Trong tháng, toàn tỉnh đã trồng được 1.508,73 ha rừng trồng tập trung và 119.518 cây phân tán, tính đến nay đã trồng được 2.298,06 ha rừng trồng tập trung và 369.043 cây phân tán.
Đến nay, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6% (Vượt 33% theo kế hoạch tỉnh đề ra); bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 54 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2022 đã được công nhận 23 sản phẩm OCOP tại các địa phương, trong đó có 02 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao; nâng tổng số sản phẩm toàn tỉnh lên 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung gieo trồng các loại cây trồng, đảm bảo về cơ cấu giống, hướng dẫn canh tác, gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật. Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng (kể cả cây trồng nhập nội). Tiếp tục hỗ trợ cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tiếp tục hỗ trợ liên kết vùng sản xuất hướng tới xuất khẩu cho các sản phẩm trồng trọt chủ lực và lợi thế của tỉnh. Hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách của nhà nước về phát triển chăn nuôi. Thực hiện hiệu quả công tác kê khai chăn nuôi theo quy định; khuyến khích các cơ sở giống công bố tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký thương hiệu giống. Quản lý chặt hoạt động buôn bán, kinh doanh con giống. Kiểm tra, kiểm soát các loại giống vật nuôi kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh tại các huyện, thành phố nhất là khu vực vùng hồ thủy điện sông Đà, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.
Đôn đốc các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, chủ động thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Xây dựng phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2023; rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt trượt để sớm có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Duy trì công tác trực phòng chống cháy rừng. Tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh./.