DetailController

Kinh tế

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm 2019

07/10/2019 00:00
9 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá cố định năm 2010) đạt 6.654 tỷ đồng, tăng 5,02% so với cùng kỳ.

Các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc gieo cấy, chăm sóc lúa và cây màu theo đúng khung thời vụ; diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 73 nghìn ha, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 36 vạn tấn (trong đó, diện tích lúa cấy 38 nghìn ha, năng suất 53,5 tạ/ha, sản lượng 20,3 vạn tấn), đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, diện tích lúa trà sớm chắc xanh - chín sáp; trà chính vụ trổ bông - ngậm sữa; trà muộn phân hóa đòng - ôm đòng, tính đến hết tháng 9 diện tích lúa gặt trên 2 nghìn ha ở các lúa trà sớm, diện tích lúa trà chính vụ và trà muộn sẽ gặt xong trước 25/10/2019; các cây màu như ngô hè thu sớm giai đoạn thâm râu - chín sữa - chín sáp; chính vụ giai đoạn trổ cờ - phun râu -, diện tích đã trồng khoảng 12,5 nghìn ha. Nhìn chung, các loại cây trồng khác sinh trưởng, phát triển khá. Cây có múi vườn kinh doanh phát triển quả; giống chín sớm bắt đầu thu hoạch; vườn kiến thiết phát triển thân lá. Tái cơ cấu ngành trồng trọt được thực hiện theo hướng phát triển các sản phẩm lợi thế, nhất là cây có múi, mía tím, rau an toàn với các giống có năng suất, chất lượng cao. Tổng diện tích cây ăn quả có múi ước đạt 10,2 nghìn ha (4,9 nghìn ha cam; 397 ha quýt; 426 ha chanh; 4,44 nghìn ha bưởi); diện tích kinh doanh trên 5,3 nghìn ha, sản lượng ước trên 12 vạn tấn. Chủ động phòng trừ sâu bệnh trên lúa đã cấy và các cây trồng cạn, cơ quan chuyên môn tích cực tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa mùa, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn và rầy hại...; sâu keo mùa thu hại ngô và các loại cây trồng. Tình hình sâu, bệnh hại trên cây lúa và các cây trồng cạn không gây ảnh hướng lớn. Công tác kiểm dịch thực vật tiếp tục được quan tâm và chưa phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; các địa phương, chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và tăng trưởng đàn. Tổng đàn vật nuôi đến nay, toàn tỉnh có trên 115 nghìn con trâu, gần 85,5 nghìn con bò, 425 ngìn con lợn, 7,2 triệu con gia cầm. Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và triển khai tiêm vắc xin các loại; tổ chức tiêm phòng vắc xin được hơn 123,3 nghìn liều cho đàn trâu, bò; 205 nghìn liều cho lợn; 1.181 nghìn liều cho đàn gia cầm; triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Công tác chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện tốt. Toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm trồng được 5,7 nghìn ha rừng tập trung, đạt 100%  kế hoạch; tổ chức tuyên truyền 141 nghìn lượt người về công tác phòng chống cháy rừng, các văn bản pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra phát hiện bắt giữ, xử lý 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu nộp ngân sách Nhà nước 222,7 triệu đồng. Tình hình phát triển thủy sản tương đối ổn định; toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; trên 4 nghìn lồng nuôi cá; sản lượng thu hoạch ước đạt 6,4 nghìn tấn; hoạt động thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục được tăng cường. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Chỉ đạo các địa phương chủ động điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với mùa mưa bão năm 2019.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh đã có 71 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 37,2% tổng số xã). Trong 9 tháng đầu năm, trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã tăng 0,68 tiêu chí, đạt 14,02 tiêu chí; thành phố Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ coog nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mớ. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh./.