Theo số liệu Tổng cục Thống kê ước tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,35%; công nghiệp - xây dựng giảm 3,32% (trong đó, công nghiệp giảm 5,92%, riêng công nghiệp sản xuất điện giảm 13,05%); dịch vụ tăng 3,65%; thuế sản phẩm tăng 0,43%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,12%; công nghiệp - xây dựng 39,47%; dịch vụ 33,29%; thuế sản phẩm 5,12%. Công tác quản lý và điều hành ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế,... được tăng cường ngay từ đầu năm 2023.
Tính đến ngày 30/10/2023, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) là 91.926 người; tổng số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) là 769.932 người (đạt 87,45% dân số toàn tỉnh); tổng số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 70.990 người. Ước đến hết năm 2023 có 99.098 người tham gia BHXH; 838.211 người tham gia BHYT; 74.040 người tham gia BHTN; cấp 12.624 sổ BHXH và 244.128 thẻ BHYT.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 báo cáo so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%. Trong 11 nhóm hàng, có 09 nhóm hàng có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,97%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 2,28%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 2,14%; ...Có 01 nhóm hàng giảm giao thông giảm 3,21%.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh giao là 20.700 tỷ đồng, so với thực hiện cả năm 2022 tăng 3.505 tỷ đồng (tăng 20,38%).
Tính đến 31/10/2023, có 346 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn điều lệ đăng ký là 4.988,7 tỷ đồng; có 214 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 102 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 68 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ước năm 2023 có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 5.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 8,7%, số vốn đăng ký giảm 49,7%; 200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 160 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 950 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Luỹ kế đến 31/12/2023 toàn tỉnh ước có 3.500 doanh nghiệp.
Lao động việc làm: (Theo số liệu của sở LĐTB & XH) kết quả giải quyết việc làm năm 2023 toàn tỉnh đạt 19.026 lao động được tạo việc làm (đạt 118,91% kế hoạch năm), trong đó có 918 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 306% kế hoạch năm). Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động: Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.736 người, số người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp là 5.739 người, số người chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp là 24 người, số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp là 213 người, số người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp là 85 người, số người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là 121 người, số người hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 66 người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 85,75 tỷ đồng.
Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện đúng chương trình dạy và học theo kế hoạch năm học 2022-2023. Thực hiện sơ kết, tổng kết năm học đảm bảo theo thời gian quy định. Xây dựng kế hoạch và triển tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, kết quả: 99,31% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT; chất lượng hai mặt giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì. Tổ chức thành công các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh năm 2023; tham dự kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia, kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia và các kỳ thi, hội thi, giao lưu trong nước và quốc tế đạt nhiều kết quả cao.
Các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì và thực hiện tốt; duy trì trực 24/24 bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời; Các quy trình khám, chữa bệnh thường xuyên được cải tiến; các kỹ thuật, máy móc tiên tiến, hiện đại được quan tâm cập nhật và bổ sung. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin trong công tác khám chữa bệnh như: tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp; triển khai thanh toán điện tử; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024: Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kịch bản tăng trưởng năm 2024. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024; tăng cường quản lý thu, chống thất thu, trốn thu; tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, đặc biệt quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế; chú trọng các nguồn thu từ đất và khai thác các nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản nhà nước. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Chỉ đạo các địa phương chăm sóc cây trồng và hoa màu theo đúng khung thời vụ; tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông năm 2024; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng. Tập trung kiểm soát, phòng ngừa cũng như phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại dịch nguy hiểm như Bệnh dịch tả lợn Châu phi, cúm gia cầm,...; khuyến khích các cơ sở giống công bố tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký thương hiệu giống. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động./.