Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ngày 25/02/2020 dịch Cúm A/H5N6 đã xảy ra tại xóm 23/9, Xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa bình, tổng số gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy là 4.450 con. Những nguyên nhân phát dịch gồm: Đàn gà chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Cúm A(H5N6); hộ chăn nuôi gia cầm bị dịch chưa thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; các địa phương giáp danh (Chương Mỹ, Hà Nội) đang xảy ra bệnh cúm gia cầm A(H5N6); các hoạt động buôn bán, lưu thông gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm gia tăng làm phát sinh và lây lan dịch và do diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ thấp đột ngột, ẩm độ cao làm cho gia cầm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút Cúm gia cầm phát sinh lây lan dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở NN và PTNT và UBND huyện Lương Sơn cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trước tình hình bệnh Cúm gia cầm xuất hiện tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn tập trung, quyết liệt chống dịch Cúm gia cầm như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm để chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch tiêu hủy 100% các loại gia cầm trong ổ dịch theo quy định. Huy động nhân lực tại chỗ thực hiện chôn hủy gia cầm mắc bệnh và phun khử trùng toàn bộ ổ dịch 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, (03 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo); kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; cấm mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trong ổ dịch. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống Loa Truyền thanh của xã về tình hình bệnh Cúm gia cầm để người dân biết và chủ động phối hợp phòng, chống; thực hiện 3 không gồm: Không giấu dịch, Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm bệnh, gia cầm chết, Không vứt xác gia cầm bệnh, gia cầm chết ra môi trường; hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, thu gom chất độn, chất thải tại các chuồng có gia cầm bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền chuồng và xung quanh chuồng nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh, làm sạch môi trường và chủ động giám sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng.
Đối với các xã, thị trấn chưa có dịch: Huy động nhân lực tại chỗ thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi gia súc, gia cầm và môi trường chăn nuôi, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần xuất 01 lần/ tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch, đồng thời rắc vôi bột toàn bộ dường làng, ngõ xóm và hệ thống cống rãnh thoát nước. Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định và hướng dân người chăn nuôi và thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn gia cầm; nếu phát hiện gia cầm bệnh, gia cầm chết không rõ nguyên nhân thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm xác định dịch bệnh.
Ngày 26/02/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lương Sơn, trực tiếp xuống ổ dịch để chỉ đạo công tác chôn hủy và chống dịch theo quy định; đã xuất cấp 100 lít thuốc khử trùng tiêu độc, 01 máy phun động cơ để địa phương tổ chức chống dịch (chôn hủy gia cầm, vệ sinh phun khử trùng, bộ đồ bảo hộ lực lượng tham gia chống dịch...) .
Trước nguy cơ dịch Cúm gia cầm có thể lây lan ra các địa bàn giáp danh, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn và các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng Cúm gia cầm H5N1, H5N6 cho đàn gia cầm, đảm bảo tỷ lệ 80% tổng đàn, 100% trong diện tiêm; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phân công rõ trách nhiện của các thành viên phụ trách địa bàn; ban hành văn bản để chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Chính quyền cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là bệnh Cúm gia cầm; khẩn trương xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020; chủ động dự trữ hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh; chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thú y, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm (chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi; giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc) và các hành vi làm tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật./.