DetailController

Khoa học - Môi trường

Tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng, chống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

19/02/2020 00:00
Ngày 17/2/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng, chống trên địa bàn tỉnh như sau:

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Lũy kế tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho đến nay (từ 05/3/2019 đến 17/02/2020), bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.343 hộ, 440 thôn, 137 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), của 11 huyện, thành phố, tổng số lợn ốm, chết và bị tiêu hủy là: 14.236 con, với trọng lượng là: 805.513,7 kg. Đến nay còn 16 xã đang có dịch (trong đó có 10 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để công bố hết dịch).

Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu tháng 01/2020 đến ngày 17/02/2020, dịch bệnh LMLM đã xảy ra trên đàn trâu, bò tại 05 xã, của 03 huyện, với tổng số 116 con gia súc mắc bệnh (Cao Phong 86 con, Lạc Thủy 22 con, Kim Bôi 08 con).

Bệnh Cúm gia cầm: Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không ghi nhận ổ dịch Cúm gia cầm nào xảy ra, các địa phương vẫn chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác phòng bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.

 

Những nguyên nhân: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi khả năng lây lan nhanh, không có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc chữa bệnh, vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao ngoài môi trường tự nhiên, đường lây lan đa dạng khó kiểm soát (do di chuyển của con người, vận chuyển động vật, giết mổ, qua thức ăn, nước uống...). Đa số các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến các biện pháp phòng dịch cho động vật nuôi; khó thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. 

 

Đối với bệnh LMLM: Công tác tổ chức thực hiện tại tuyến cơ sở chưa quyết liệt, nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn trâu, bò, lợn chưa được triệt để, tỷ lệ tiêm thấp chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, ẩm độ cao làm cho gia súc giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, phát tán gây bệnh cho động vật. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm gia tăng, nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh là rất cao.

Sở NN và PTNN đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Sở NN và PTNN yêu cầu các địa phương  cần chủ động tổ chức công tác phòng, chống theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp... Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.Huy động nhân lực, nguồn lực tại chỗ xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý lợn bị bệnh, lợn chết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm tang nguy cơ phát sinh dịch bệnh (buôn bán, vận chuyển, giết mổ...).

Đối với bệnh Lở mồm long móng, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương có dịch kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch để tổ chức thực hiện các biện pháp quyết liệt chống dịch và báo cáo cụ thể bằng văn bản về tình hình dịch LMLM xảy ra theo quy định. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương có dịch tổ chức, thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho 100% số gia súc trong ổ dịch và các xã giáp ranh. Phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và thực hiện các biện pháp chống dịch tại ổ dịch, áp dụng các biện pháp điều trị khắc phục triệu chứng, chống kế phát... nhanh chóng đưa con vật trở lại trạng thái bình thường và tiến hành tiêm phòng bổ sung cho những con vật đã lành về triệu chứng, báo cáo kịp thời theo quy định. Vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi thu gom chất độn, chất thải tại chuồng nuôi có gia súc bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc bằng hóa chất sát trùng tại các địa phương có dịch. Nuôi dưỡng, chăm sóc gia súc bệnh tại chuồng, không chăn thả gia súc bệnh.

Đối với bệnh Cúm gia cầm:Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động người dân tự giác phòng, chống và báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh Cúm gia cầm, giảm thiểu các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch bệnh; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh, làm sạch môi trường. Chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng; xác định chủng loại vi rút cúm lưu hành để có cơ sở lựa chọn vắc xin phù hợp cho công tác phòng dịch bệnh Cúm gia cầm. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sảnphẩm động vật; kiểm soát ấp nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh./.