DetailController

Tin từ các đơn vị

Tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng, chống trên địa bàn tỉnh

04/05/2020 00:00
Ngày 29/4, Sở Nông nghiện và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã báo cáo tình hình dịch bệnh động vật, các biện pháp phòng, chống và công tác tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, theo đó trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước cơ bản được ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), đã được khống chế, đối với bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) hiện nay còn 20 tỉnh, thành phố vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Theo Cục Thú y, lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến nay tổng số lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP trên địa bàn cả nước là 5.970.283 con với tổng trọng lượng là trên 343.224 tấn, chiếm khoảng trên 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 bệnh DTLCP đã xảy ra ở 137 xã, phường, thị trấn, với 445 thôn, 1.362 hộ có dịch, tổng số lợn tiêu hủy là 14.528 con = 815.731,7 kg, chiếm 3,2 % tổng đàn lợn của tỉnh. Từ đầu năm 2020 đến nay bệnh DTLCP vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương, chủ yếu do tái phát dịch trở lại, cụ thể từ ngày 22/4 đến 28/4/2020, bệnh DTLCP tái xuất hiện tại xã Đoàn Kết, huyện Yên thủy; xã Tú lý và xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tổng số lợn ốm chết phải tiêu hủy là 350 con, với trọng lượng tiêu hủy là 12.453 kg, hiện tại còn 05 xã chưa qua 30 ngày gồm: xã Đoàn Kết, xã Phú Lai và Thị trấn Hàng Trạm - huyện Yên Thủy; xã Tú lý và xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc và 05 xã đã qua 30 ngày nhưng chưa làm thủ tục công bố hết dịch gồm: xã Bắc Phong, Bình Thanh, Hợp Phong, huyện Cao Phong; xã Yên Trị huyện Yên Thủy; xã Quy Hậu huyện Tân Lạc.

Đối với bệnh CGC: Ngày 09/4/2020 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện Lương Sơn kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh và công tác chống dịch tại cơ sở; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị công bố hết dịch CGC tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn đến ngày 14/4/2020 UBND huyện Lương Sơn đã công bố hết bệnh dịch đối với bệnh CGC tại địa bàn xã Liên Sơn.

 Sở NN và PTNT tỉnh đã đưa ra các giải pháp chống dịch đã và đang thực hiện gồm: Các địa phương đang có bệnh DTLCP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chủ động trong công tác phòng, chống theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh và Sở NN và PTNT... hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; huy động nhân lực, nguồn lực tại chỗ xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý lợn bị bệnh, lợn chết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh như buôn bán, vận chuyển, giết mổ....

 Tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, theo thống kê, tổng đàn lợn quý I/2020 có 440.439 con, đạt 100,21% so với năm 2019. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang tồn tại hai phương thức chăn nuôi là chăn nuôi trang trại sử dụng thức ăn công nghiệp, quy mô lớn và chăn nuôi nông hộ quy mô vừa và nhỏ. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường đối với chăn nuôi nông hộ chiếm 75%, nhưng công tác tái đàn đang gặp một số khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 trang trại có quy mô lơn, một năm cung cấp khoảng 25% sản lượng thịt lợn. Bao gồm các trang trại của các công ty như: Công ty CP. Việt nam có 22 trang trại, Công ty TNHH JAPFA có 07 trang trại, Công ty cổ phần chăn nuôi MAVIN có 03 trang trại, Công ty TNHH MASAN 01 trang trại, Công ty TNHH chăn nuôi Lạc Thủy (Hòa Phát) 01 trại, còn lại là các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp tư nhân...

Về tình hình tái đàn và tăng đàn lợn: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác tái đàn lợn nhằm ổn định giá thịt lợn trên thị trường, từ đầu năm 2019 đến nay bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh tỉnh Hòa Bình, đã gây thiệt hại đối với chăn nuôi lợn, khiến người chăn nuôi không dám tái đàn trở lại, hiện tại giá lợn hơi đang ở mức cao khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg do thị trường khan hiếm nguồn cung thịt lợn. Vì vậy việc tái đàn, tăng đàn lợn là rất cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi cũng 3 như cung ứng nguồn thực phẩm cho thị trường. Tuy nhiên đến nay công tác tái đàn gặp rất nhiều kho khăn như: Một số hộ chăn nuôi hiện nay có tiền nhưng không mua được con giống vì trong thời gian xảy ra dịch bệnh DTLCP nhiều hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy cả đàn trong đó có cả lợn nái và lợn đực giống, do vậy nguồn sản xuất lợn giống rất khan hiếm, không giám tái đàn vì lo dịch bệnh tái phát trở lại do không thực hiện tốt công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi, hoặc không có tiền để đầu tư tái đàn vì giá lợn giống tại thời điểm này đang ở mức cao.

 Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương thực hiện công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP từ đầu năm 2020 đến nay theo nội dung công văn số 171/STC-QLNS ngày 04/02/2020 của Sở Tài Chính, giúp người chăn nuôi có nguồn lực để tiếp tục tái đàn phát triển chăn nuôi lợn, UBND các huyện Cao Phong, Tân Lạc và Yên Thủy chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh DTLCP tại những xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh để làm thủ tục công bố hết dịch, các địa phương chủ động thực hiện tái đàn lợn theo nội dung văn bản hướng dẫn số 487/SNN-CNTY ngày 25/3/2020 của Sở NN và PTNT về việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, hướng dẫn người dân khi tái đàn nên chọn mua con giống có xuất xứ rõ ràng, sạch bệnh, trong chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và các địa phương cần tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn./.