DetailController

Khoa học - Môi trường

Tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng, chống trên địa bàn tỉnh

13/03/2020 00:00
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 12/3, tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh động vật gồm: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Bệnh Lở mồm long móng và Bệnh Cúm gia cầm, trên địa bàn tỉnh như sau:

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), từ đầu năm 2020 đến nay bệnh DTLCP đang có chiều hướng giảm mạnh cả về số ổ dịch phát sinh và số lượng lợn tiêu hủy, tổng số lợn ốm chết phải tiêu hủy là 154 con, trọng lượng tiêu hủy là 5.377 kg. Hiện tại còn 05 xã của 03 huyện chưa qua 30 ngày đó là (Thị trấn Lương Sơn - huyện Lương Sơn; xã Đoàn Kết, Hữu Lợi, Thị trấn Hàng Trạm - huyện Yên Thủy; xã An Bình - huyện Lạc Thủy), còn 11 xã đã qua 30 ngày nhưng chưa làm thủ tục công bố hết dịch đó là: Phường Kỳ Sơn, phường Dân Chủ, xã Dân Hòa - Thành phố Hòa Bình; xã Bắc Phong, Bình Thanh, Tân Phong (nay là xã Hợp  Thủy; xã Tân Mai, Mai Hạ, Mai Hịch - huyện Mai Châu). Bệnh Lở mồm long móng (LMLM), từ tháng 1/2020 đến 9/3/2020 Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dịch bệnh LMLM xảy ra trên đàn trâu, bò tại 08 hộ, 07 xã, của 04 huyện, thành phố (Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tp. Hòa Bình), với tổng số 124 con gia súc mắc bệnh. Bệnh Cúm gia cầm (CGC), từ ngày 25/02/2020 đến ngày 09/03/2020, bệnh Cúm gia cầm A(H5N6) xảy ra tại 03 hộ; 02 xóm của xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, với tổng số gia cầm ốm, chết phải tiêu hủy là 10.400 con (trong đó gà = 4.450 con, Vịt + Ngan = 5.950 con).

Những nguyên nhân Đối với Bệnh DTLCP, do khả năng lây lan nhanh, không có Vắc - xin phòng bệnh, không có thuốc chữa bệnh, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao ngoài môi trường tự nhiên, đường lây lan đa dạng khó kiểm soát (do di chuyển của con người, vận chuyển động vật, giết mổ, qua thức ăn, nước uống...) và đa số các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến các biện pháp phòng dịch cho động vật nuôi; khó thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bệnh LMLM do nguồn kinh phí hạn hẹp, đồng thời công tác tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở chưa quyết liệt, việc tiêm Vắc - xin phòng bệnh LMLM cho đàn trâu, bò, lợn chưa được triệt để, tỷ lệ tiêm thấp chưa đáp ứng được theo yêu cầu; diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, ẩm độ cao làm cho gia súc giảm sức đề kháng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, phát tán gây bệnh cho động vật. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp đầu năm gia tăng, nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh là rất cao. Đối với Bệnh CGC: Tổng đàn, mật độ chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số; công tác tiêm phòng Vắc - xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp ở nhiều địa phương, đặc biệt là việc tiêm phòng Vắc - xin CGC chỉ được thực hiện tại các cơ sở chăn nuôi tập trung trang trại và các cơ sở sản xuất con giống, còn các đàn gia cầm thương phẩm chưa được tiêm phòng. Thời tiết khí hậu thay đổi tiêu cực và diễn biến bất lợi, tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn phát triển gây bệnh và lây lan... và việc thu mua, vận chuyển gia cầm của các thương lái tại các địa bàn giáp ranh kiểm soát chưa được chặt chẽ.

Sở NN và PTNT tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp tổ chức thực hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020; chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, bệnh Cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người (nCoV) trên địa bàn tỉnh; triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai tiêm phòng, khử trùng tiêu độc vụ Xuân -  Hè năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh; các địa phương đang có dịch (DTLCP, LMLM, CGC) tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo quy định.

 Đối với Bệnh DTLCP: Chủ động tổ chức công tác phòng, chống theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp... Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh DTLCP; hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Huy động nhân lực, nguồn lực tại chỗ xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý lợn bị bệnh, lợn chết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm tang nguy cơ phát sinh dịch bệnh (buôn bán, vận chuyển, giết mổ...).

 Đối với Bệnh LMLM, các địa phương có dịch tổ chức thực hiện các biện pháp quyết liệt chống dịch và báo cáo cụ thể bằng văn bản về tình hình dịch LMLM xảy ra theo quy định; thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho 100% số gia súc trong ổ dịch và các xã giáp ranh. Phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và thực hiện các biện phápchống dịch tại ổ dịch, áp dụng các biện pháp điều trị khắc phục triệu chứng,chống kế phát... nhanh chóng đưa con vật trở lại trạng thái bình thường và tiến hành tiêm phòng bổ sung cho những con vật đã lành về triệu chứng; vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi thu gom chất độn, chất thải tại chuồng nuôi có gia súc bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc bằng hóa chất sát trùng tại các địa phương có dịch. Nuôi dưỡng, chăm sóc gia súc bệnh tại chuồng, không chăn thả gia súc bệnh.

 Đối với Bệnh (CGC) A(H5N6), chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động người dân tự giác phòng, chống và báo cáo kịp thời khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc Bệnh CGC, giảm thiểu các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch bệnh; hướng dẫn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi;  khẩn trương tổ chức tiêm phòng Vắc - xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm vùng có nguy cơ; chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi với tần xuất 1 lần/tuần, liên tục trong một tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch, đồng thời rắc vôi bột toàn bộ đường làng ngõ xóm và hệ thống cống rãnh thoát nước nhằm tiêu diệt mầm bệnh, làm sạch môi trường; tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng; xác định chủng loại vi rút cúm lưu hành để có cơ sở lựa chọn vắc xin phù hợp cho công tác phòng dịch Bệnh CGC và xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến làm dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng và tổ chức quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát ấp nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Sở NN và PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và chính quyền cơ sở triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; công bố dịch theo quy định của Luật Thú y (nếu đủ điều kiện); chủ động cấp kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương; bố trí kinh phí hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc Bệnh DTLCP theo nội dung công văn số 171/STC-QLNS ngày 04/02/2020 của Sở Tài Chính.../.