Đến tháng 9/2019, trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình có hơn 559 cơ sở kinh doanh (bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở massage, karaoke, các quán cà phê, giải khát và các cơ sở dịch vụ khác) dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, 58 người hoạt động mại dâm. Để phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, tỉnh đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thực hiện Chương trình phòng chống mại dâm cho các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể chủ trì, tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện để đảm bảo hiệu quả thực hiện như: Kết hợp với các chương trình phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em và bóc lột tình dục góp phần bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn an ninh trật tự toàn xã hội, phòng ngừa lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục để giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với toàn thể xã hội...
Thông qua những hình thức tuyên truyền phong phú, truyền tải đến xã, phường, thị trấn và khu dân cư đã giúp người dân có nhận thức đúng về tệ nạn mại dâm. Ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội nhằm chuyển đổi hành vi cho mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư về nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn.
Thông tin về phòng, chống mại dâm đã được các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên cập nhật đăng, phát, đưa tin, trên các phương tiện thông tin, truyền thông, 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức và duy trì được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm; 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như: Chương trình giảm nghèo, dạy nghề lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người…
Theo đánh giá, công tác phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Tuy nhiên, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm ở các địa bàn giáp danh dọc các tuyến giao thông liên tỉnh, nội địa khó có thể triệt phá, xoá trắng… nhận thức của một số bộ phận nhân dân về thực hiện pháp lệnh phòng chống mại dâm nên vẫn coi việc mua dâm là một trò chơi tiêu khiển nên vô tình là người tiếp tay cho các ổ nhóm hoạt động mại dâm, một số đối tượng môi giới vì hám lợi nên tổ chức môi giới bán dâm với phương thức, thủ đoạn tinh nên rất khó trong đấu tranh, triệt phá…., công tác quy hoạch, cấp giấy phép quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và kiểm soát việc sản xuất lưu hành văn hóa phẩm, băng đĩa hình và trang web có nội dung khiêu dâm, kích dục còn nhiều bất cập như hiện nay gây khó khăn cho công tác quản lý. Qua 5 năm, công tác đấu tranh, triệt phá và xử lý hoạt động mại dâm đã tổ chức 64 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng, 23 cuộc triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện và bắt giữ 116 người vi phạm ( 44 người mua dâm, 44 người bán dâm, 18 chủ chứa, môi giới), xử lý vi phạm hành chính 87 đối tượng, xử lý hình sự 15 đối tượng. Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện, thành phố và các xã phường, thị trấn đã kiểm tra 545 cơ sở kinh doanh dịch vụ và kinh doanh dịch vụ văn hóa có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; phát hiện vi phạm 53 cơ sở, phạt tiền với tổng số 36 triệu động, đồng thời cảnh cáo, nhắc nhở các cơ sở không vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 09 tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn mới 2021 - 2025 do vậy cần quán triệt quan điểm nghiêm cấm mại dâm, lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; phối hợp chặt chẽ công tác phòng chống mại dâm với phòng, chống tội phạm mua bán người, bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác.../.