Các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh phải kể đến là: Dông lốc, mưa lớn cục bộ, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 gây ra mưa lớn kèm giông lốc; mưa lớn kéo dài trong thang 7 và cuối tháng 9/2021 đã gây thiệt hại làm hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng trên địa bàn các huyện, thành phố. Đã có 01 người chết và 02 người bị thương do sét đánh; làm 232 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; phải di dời khẩn cấp 146 nhà; diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại khoảng 437,6ha, trong đó diện tích lúa chiếm 209,7ha; 9 máy bơm thủy luân bị vùi lấp, 18 đập dâng nước bị vỡ; trên 300m³ đất đá bị sạt lở trên các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh và các thiệt hại khác về chăn nuôi, thủy sản, với giá trị thiệt hại ước tính trên 14 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo điều hành cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trước diễn biến của tình hình dịch Covid-19 phức tạp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành giáp danh. Các văn bản chỉ đạo được ban hành trước mỗi đợt thiên tai, đặc biệt là việc ứng phó thiên tại trong tình hình dịch bệnh, tại các điểm sơ tán dân, qua đó không để lây lan dịch bệnh. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, đốn đốc thường xuyên. Chính quyền các địa phương nơi xảy ra thiên tại luôn chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở; cử lực lượng chốt giữ các ngầm tràn không cho người và phương tiện qua lại khi có nước lũ. Tạm thời khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông, có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở; triển khai dọn dẹp vệ sinh, tiêu trùng, khử độc chuồng trại, làm sạch nguồn nước.
Các trang thiết bị vật tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh thường xuyên được rà soát và chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ứng phó, khắc phục thiên tai từ tỉnh đến xã. Hiện tại, số lượng vật tư chính trong kho có trên 6,3 nghìn áo phao, phao tròn; 02 bộ thiết bị chữa cháy; hơn 4,3 nghìn rọ thép; 186 nhà bạt; 24 xe cứu hộ; 37 tàu cứu nạn và một số vật tư phương tiện chuyên dùng khác. Dữ trữ nhu yếu phẩm lương thực thực phẩm gồm: Lương khô, mì tôm, gạo, nước uống, dầu diesel…
Qua rà soát các khu vực trọng điểm, trên địa bàn tỉnh có 04 điểm xung yếu về đê điều; 54 hồ chứa thủy lợi mất an toàn; 119km bờ sông, bờ suối; 89 khu vực dân cư với 4.661 hộ bị ảnh hưởng, 3.668 hộ chưa ổn định.; 50km tuyến đường trên khu vực sạt lở; 26 điểm ngầm tràn kết hợp giao thông…Từ đó, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Tính đến tháng 9/2021, Quỹ phòng, chống thiên tai đã đạt 6,9 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này đã chi xuất phục vụ công tác phòng ngừa, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra; vận hành các trạm đo mưa tự động, khắc phục một số công trình phòng, chống thiên tai tại địa phương.
Từ nay đến hết năm 2021, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo điều hành một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ động rà soát, cập nhật bổ sung các phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, nhu cầu về vật tư, trang thiết bị phòng, chống thiên tai đảm bảo sát thực tế, hiệu quả. Tập trung các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình đề điều, hồ đập, chống sạt lở, các công trình giao thông. Củng cố, xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai có kỹ năng, kiến thức trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai./.