Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Cụ thể nhằm: Nâng cao khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế; tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị; tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị y tế hiện có; nâng cao trình độ cán bộ theo định hướng chuyên sâu; thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính trong lĩnh vực KBCB; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 30 giường bệnh/vạn dân; đạt 10 bác sĩ/vạn dân; 100% người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đều được nhân viên tiếp đón và hướng dẫn tận tình và chu đáo; hoàn thiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất toàn bộ các trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh; 95% các Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt tiêu chí chất lượng bệnh viện trên 3.0; 30% số bệnh viện, Trung tâm Y tế triển khai bệnh án điện tử; thêm ít nhất 1 Trung tâm Y tế tuyến huyện triển khai chạy thận nhân tạo…
Kế hoạch tập trung vào 6 giải pháp: Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân; Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện, các trung tâm y tế, nhất là các cơ sởy tế công lập; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách riêng dành cho ngành y tế; hoàn thiện các quy hoạch của ngành y tế, đầu tư, cải tạo hạ tầng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường các nguồn lực, xã hội hóa y tế để mở rộng đầu tư hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh ngoài Nhà nước; ứng dụng Công nghệ thông tin, cải cách hành chính và đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Kinh phí giai đoạn 2024-2025 là 857.490 triệu đồng. Trong đó, kinh phí đã được phân bổ từ các chương trình, dự án khác là 289.900 triệu đồng; kinh phí đề xuất từ nguồn ngân sách tỉnh là 567.590 triệu đồng.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Xây kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động, nhóm hoạt động và tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện nội dung Kế hoạch gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành có liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo cho nhân viên y tế tham gia các khóa đào tạo sau đại học chuyên ngành lâm sàng và cận lâm sàng, hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cập nhật kiến thức. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi UBND tỉnh theo quy định.
Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Bố trí ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định để đầu tư xây dựng xã, phường, thị trấn đạt “Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã”. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện; hàng năm báo cáo kết quả về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.