DetailController

Tin từ các đơn vị

Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh

09/02/2022 00:00
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 141/KH-UBND, ngày 06/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dồn điền đổi thửa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, hiệu quả cần tiếp tục được phát huy.
Việc dồn điền, đổi thửa góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế khá

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 1.804,28 ha, nâng tổng diện tích đất đã thực hiện dồn điền, đổi thửa từ trước đến nay đạt khoảng 5.859 ha, chiếm khoảng 7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hiệu quả trông thấy của đề án là việc người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các cây có giá trị kinh tế cao như: Cây ăn quả, cây rau họ bầu bí,... mang lại thu nhập trung bình từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Trên toàn tỉnh xuất hiện nhiều vùng cây trồng hàng hóa như: Mô hình trồng  ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Lạc Thủy; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật, mía nguyên liệu, Cà gai leo, Bí xanh, ngô ngọt, đậu rau…tại Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi; liên kết sản xuất hạt giống mướp đắng, bí xanh tại Đú Sáng - Kim Bôi, Độc Lập - Kỳ Sơn; mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn; mô hình liên kết 50/50 trong sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, ATTP tại Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện như: Khâu tổ chức thực hiện chưa chu đáo, chưa kiện toàn ban chỉ đạo, việc thu thập tài liệu, dữ liệu bản đồ, sơ đồ hiện trạng sử dụng đất còn sơ sài, thiếu đồng bộ,…; chưa chủ động nguồn kinh phí phục vụ công tác trích đo, kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa có sự phân công cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo cấp huyện trong việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện ở từng xã; chưa giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn trong từng khâu, từng nội dung công việc; công tác tổ chức lại sản xuất trên diện tích đất sau dồn đổi còn chậm thực hiện, nên hiệu quả kinh tế sau dồn đổi chưa cao,…Do đó một số địa phương đã đề xuất UBND tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí đo đạc và kinh phí cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dồn điền, đổi thửa; áp dụng các chính sách hỗ trợ thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa.

Để đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả cao, đảm bảo kế hoạch đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện kế hoạch và chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 01/02/2021 của UBND Hòa Bình về việc tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức thực hiện các nội dung công việc được giao. Chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, phát triển hạ tầng trong các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và các nguồn khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch.

Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động về trích đo, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích đã được dồn đổi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc tổ chức lại sản xuất trên diện tích đã dồn điền, đổi thửa; đồng thời là đầu mối tham mưu với Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng hợp kết quả hàng năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Căn cứ theo nhiệm vụ được giao, các sở, ngành thực hiện hướng dẫn các địa phương trong công tác dồn điền, đổi thửa; chủ động báo cáo các khó khăn phát sinh để kịp thời giải quyết./.