DetailController

Giáo dục

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Năm giáo dục vùng khó khăn”

10/09/2015 00:00
Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đối với giáo dục vùng khó khăn. Năm học qua, các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm và nâng cao, chất lượng giáo dục vùng khó khăn được nâng lên.
Một tiết học của cô và trò trường Tiểu học xã Bắc Sơn- một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi

Tỉnh Hòa Bình có vùng đặc biệt khó khăn diện tích rộng, dân cư thưa và sống rải rác, do đó quy mô trường lớp phân tán, để hưởng thụ công bằng trong giáo dục là một khó khăn. Trước những yêu cầu của thực tiễn, bắt đầu từ năm 2013, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch “Năm giáo dục vùng khó khăn” tỉnh Hòa Bình, với mục tiêu đổi mới quản lý giáo dục, ưu tiên giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao lên một bước chất lượng giáo dục toàn diện vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện “Năm giáo dục vùng khó khăn” được các cấp, các ngành, nhân dân đặc biệt ủng hộ, qua đó đã huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư cho vùng khó khăn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng đại trà vùng khó khăn có sự chuyển biến, công tác phổ cập giáo dục từng bước được nâng cao và duy trì bền vững; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 99,5% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư xây mới và nâng cấp. Từ các nguồn đầu tư đã thực hiện chỉnh trang trường lớp học, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, xây dựng các công trình như nhà đa năng, nhà hiệu bộ, phòng học chức năng, các hạng mục phụ trợ cho các trường, bảo đảm phục vụ tốt công tác dạy và học. Các Trung tâm học tập cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư đáng kể, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tiêu biểu như huyện Lạc Sơn, huyện Tân Lạc…các TTHTCĐ hoạt động theo hướng đưa các lớp học, các hoạt động của trung tâm về các thôn, bản tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập; kết nối với các câu lạc bộ để nắm bắt nhu cầu học tập của người lao động. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Hòa Bình đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Quan tâm, giúp đỡ giáo viên, học sinh vùng khó khăn”. Thông qua các chương trình giao lưu, hoạt động ngoại khóa đã tổ chức quyên góp và được các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng quà, góp tiền mặt hỗ trợ cho các học sinh vùng khó khăn.…Sự hỗ trợ của các tổ chức đã góp phần kịp thời động viên tinh thần học sinh và cán bộ giáo viên vùng khó khăn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội và tạo động lực cho họ vươn lên trong học tập, công tác. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh có 42 trường vùng khó khăn đạt chuẩn quốc gia, tiêu biểu như huyện Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc…

Việc thực hiện “Năm giáo dục vùng khó khăn” đã tạo ra bước đột phá mới trong ngành giáo dục. Nhờ thực hiện hiệu quả “Năm giáo dục vùng khó khăn” đã thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, là tiền đề tạo nguồn lực cho địa phương vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2015 - 2020, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường. Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường vùng khó khăn. Đưa các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, nề nếp; phát triển toàn diện các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú. Thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội và nhà trường để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn./.