Tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Trên lĩnh vực trồng trọt, năm 2022, giá trị sản xuất trồng trọt theo giá so sánh ước cả năm đạt trên 7 nghìn tỷ đồng tăng 3,43% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117 nghìn ha bằng 98,6 % kế hoạch năm 2021, trong đó cây lương thực có hạt 71 nghìn ha, sản lượng ước đạt 36,6 vạn tấn; Giá trị thu nhập trên 1 diện tích đất canh tác trồng trọt ước đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Hiện các huyện, thành phố đang thống kê diện tích chuyển đổi trên đất trồng lúa sang cây trồng khác dự kiến năm 2022 toàn tỉnh ước đạt trên 2.000 ha đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác trong đó chuyển đổi đất 2 vụ lúa 800ha; chuyển đổi đất 1 vụ lúa 1.200 ha.
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh năm 2022 ước đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,24 % so với cùng kỳ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh các trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp, cơ bản đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng có lợi thế của từng địa phương gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới .
Lĩnh vực lâm nghiệp, giá trị sản xuất theo giá so sánh ước cả năm 2022 đạt 1,18 nghìn tỷ đồng, tăng 6,05% so với cùng kỳ. Thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo quy hoạch 3 loại rừng đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tích hợp vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; gắn bảo vệ phát triển rừng bền vững với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong năm trồng rừng tập trung đạt 7,4 nghìn ha/5,72 nghìn ha (đạt 129% kế hoạch) và cây phân tán là 968 nghìn cây, đạt 107% kế hoạch. Trên địa bàn toàn tỉnh có 87 cơ sở sản xuất giống, đã sản xuất được 21,15 triệu cây giống các loại đạt 132% kế hoạch. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%. Đến nay toàn tỉnh đã khai thác 6,48 nghìn ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 587,66 nghìn m3 gỗ. Duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh.
Ngành thủy sản đạt giá trị sản xuất trên 328 tỷ đồng, tăng trên 14,98% so cùng kỳ. Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản. Hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và 4,89 nghìn lồng cá nuôi. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 12,17 nghìn tấn, trong đó khai thác ước đạt 2.020 tấn, nuôi trồng ước đạt 10.150 tấn; giá trị thu nhập trên ha mặt nước ước đạt 150 triệu đồng/ha.
Nhìn chung, thực hiện chuyển đổi và cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 tăng 3,62%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung. Giá trị sản sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá so sánh ước đạt 12.326 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao; ước năm 2022 thực hiện chuyển đổi được trên 2.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác như ngô, rau đậu, cây có múi, cây hàng năm và cây lâu năm khác. Các mô hình liên kết sản xuất cây gai, cây bưởi đỏ, mía ăn tươi…tiếp tục đem lại hiệu quả tích cực và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của nông sản Hòa Bình còn thấp, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; liên kết sản xuất chưa chặt chẽ; việc sản xuất theo chuỗi mới hình thành song quy mô nhỏ, tỷ lệ chuỗi xác nhận chưa cao; diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Hạ tầng nông nghiệp còn yếu, nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân không nhiều. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới tỉnh Hòa Bình tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế cũng như nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; phát triển thủy sản bền vững gắn với bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh liên kết từ sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.