DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023

02/12/2022 00:00
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 được thực hiện đồng bộ tại các cấp địa phương. Trên cơ sở Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh đã ban hành, một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành Đề án, Kế hoạch, giao chỉ tiêu chuyển đổi và thực hiện cụ thể, chi tiết đến từng xã.
Huyện Yên Thủy thực hiện thành công chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cho thu nhập cao hơn

Định kỳ hàng năm, cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân của một số huyện, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo thủ tục hành chính đúng quy định, chỉ đạo tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đặc biệt trên diện tích đã dồn điền đổi thửa, đất trồng lúa kém hiệu quả đảm bảo chuyển đổi phù hợp, thực hiện theo đúng kế hoạch chung đã được phê duyệt

Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 toàn tỉnh là: 2.034,89 ha đạt 105% so với kế hoạch và bằng 106% so với kết quả chuyển đổi năm 2021. Cụ thể: Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 1.917,91 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 839,6 ha; đất 1 vụ lúa 1.078,31 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm: Ngô, ngô sinh khối, rau đậu các loại (bí xanh, dưa chuột...), mía, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi...Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm là  55,85 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 16,43 ha; đất 1 vụ lúa 39,42 ha. Loại cây được chuyển đổi chính gồm: Nhãn, ổi, táo, cây có múi...Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 5,27 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 3,73 ha; đất 1 vụ lúa 1,54 ha.

Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn gồm: huyện Lạc Sơn (846,49 ha), huyện Kim Bôi (330,64 ha), huyện Tân Lạc (249,69 ha), Cao Phong (313,0 ha).

Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả cao năm 2022 như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, rau lấy quả khác) tại các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu cho thu nhập trung bình 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng mía tím cho thu nhập 140 - 180 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi trồng khoai lang cho thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng ngô sinh khối tại Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi cho thu nhập 80 – 100 triệu đồng/ha/năm.

Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch được người sản xuất hưởng ứng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Việc chuyển đổi giúp khai thác hiệu quả diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tiết kiệm được nguồn nước tưới, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; còn ít những diện tích, khu vực chuyển đổi tập trung cùng một cây trồng; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm và chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm tại các diện tích được chuyển đổi còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, thủy lợi hiện nay chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, chưa phù hợp, đáp ứng được cho sản xuất các cây trồng chuyển đổi. Vì vậy, người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật; sản phẩm nông sản chưa có tính cạnh tranh cao.

Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 toàn tỉnh thực hiện trên 1.692 ha. Cụ thể: Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 1.535 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 607,8 ha; đất 1 vụ lúa 927,2 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm là 70,4 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 17,5 ha; đất 1 vụ lúa 52,9 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 16,23 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 7,8 ha; đất 1 vụ lúa 8,43 ha.

Các địa phương đăng ký diện tích chuyển đổi lớn gồm: Huyện Kim Bôi (227,8 ha), huyện Tân Lạc (225,83 ha), huyện Lạc Sơn (656,6 ha). Do đó, các địa phương đã sớm lên kế hoạch cụ thể và bắt tay thực hiện ngay đầu năm để đạt được kết quả cao nhất.