DetailController

Tin từ các đơn vị

Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình năm 2021

05/04/2021 00:00
Đến hết tháng 12/2020, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai Đề án/Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, thành phố, có 4.451 sản phẩm của 2.491 chủ thể được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Riêng tỉnh Hòa Bình có 105 sản phẩm của 91 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, kết quả có 70 sản phẩm của 59 chủ thể được công nhận đạt sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên (có 01 sản phẩm OCOP được công nhận nâng hạng sao từ 3 sao lên 4 sao).
Rượu đồ Mường Đình, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy được phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao

Sau 03 năm triển khai Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề nông thôn và dịch vụ du lịch của các huyện, thành phố. Để nâng cao hiệu quả và chất lượng trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 theo đúng chuơng trình thường niên và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao cho các huyện, thành phố theo Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 09/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện Chương trình (OCOP) theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của các Sở, Ngành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương; chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành liên quan đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trước 30/10/2021; rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng; phối hợp tổ chức, tham gia Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP do Trung ương và các địa phương tổ chức năm 2021. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc đánh giá thực hiện Chương trình OCOP ở các huyện, thành phố và đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình.

Các sở, ngành chức năng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các sản phẩm tham gia Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 đảm bảo hiệu quả. Tăng cường tập huấn, hỗ trợ các địa phương công tác quản lý sản phẩm OCOP, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện Chương trình OCOP lĩnh vực được giao quản lý. Tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo lĩnh vực được phân công.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm mới và nâng cấp hạng sao đối với các sản phẩm đã được xếp hạng sản phẩm OCOP. Tập trung các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.  Tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đẩy mạnh công tác quản lý, xúc tiến thương mại, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc,... Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện hiểu rõ bản chất của chương trình. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; lồng ghép nguồn vốn để hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hoá và tính cộng đồng của địa phương. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP…/.