Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh đánh giá, trong hai năm qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế du lịch vẫn tăng trưởng và phát triển. Tại tỉnh Hòa Bình, du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế nhiều tiềm năng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế chung. Những năm gần đây, lượng khách du lịch tới Hòa Bình tăng đáng kể, ngành du lịch tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động tại địa phương, đồng thời góp phần quảng bá nền văn hóa và con người Hòa Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh du lịch tại tỉnh ta chưa xứng với tiềm năng và lợi thế, khách du lịch tới thăm quan khá đông xong số lượng nghỉ lại qua ngày và dài ngày lại ít. Lượng khách tới du lịch tại trung tâm văn hóa- chính trị của tỉnh là thành phố Hòa Bình ngày càng giảm. Công tác quản lý du lịch còn kém, nhiều địa điểm du lịch mang tính tự phát, quy hoạch du lịch còn nhiều hạn chế.
Từ năm 2011 tới nay, tỉnh ta đã trao giấy chứng nhận cho 7 dự án đầu tư vào du lịch, phối hợp tham gia chương trình hoạt động của 8 tỉnh Tây bắc mở rộng, xây dựng logo và slogan du lịch Hòa Bình, xây dựng bản đồ du lịch, tờ gấp quảng bá du lịch 8 tỉnh Tây bắc. Năm 2011 tỉnh ta đón gần 1,4 triệu khách du lịch, năm 2012 đón trên 1,6 triệu khách và 6 tháng đầu năm đã đón 885 nghìn lượt khách, thu nhập du lịch 6 tháng ước đạt 340 tỷ đồng. Chỉ tiêu tòan năm 2013 tỉnh đón trên 1,7 triệu lượt khách du lịch, năm 2014 phấn đấu đón 2 triệu lượt khách. Mục tiêu kế hoạch dài hơi theo giai đoạn, tới năm 2015, Hòa Bình đón 2,5 triệu lượt khách; giai đoạn 2016 -2020 tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch đạt 17%/năm, đến năm 2020 đạt 4,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%, số ngày lưu trú bình quân đạt 1,5 ngày, thu nhập từ du lịch đạt 2.100 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng các dịch vụ du lịch, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, làm rõ những khó khăn bất cập và đưa ra những đề xuất, kiến nghị chính đáng, giải pháp phát triển kinh tế du lịch tại tỉnh ta. Lãnh đạo huyện Lạc Thủy chia sẻ những kinh nghiệm phát triển du lịch của huyện, huyện đã ban hành Nghị quyết, Đề án cụ thể về du lịch, có những chính sách ưu đãi về du lịch, quan tâm bồi dưỡng người làm du lịch, tuyên truyền tiến tới xã hội hóa du lịch tại địa phương trong đó chính quyền nắm vai trò quản lý, định hướng quan trọng. Huyện Mai Châu cho biết, huyện chủ yếu tập trung khai thác thế mạnh du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch cộng đồng, huyện đề nghị thời gian tỉnh có sự quan tâm và duy trì đầu tư cho bản Bước(xã Xăm Khòe) có sự phát triển du lịch tương xứng với một bản du lịch cộng đồng. Đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh cho rằng, ngành du lịch tỉnh cần phối kết hợp với ngành nông nghiệp để kinh doanh và phát triển các sản phẩm du lịch như cây thuốc, các rau, củ, quả đặc sản của tỉnh. Bên cạnh đó cần đặc biệt chú trọng cải thiện và nâng cao môi trường du lịch, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế du lịch với ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng khách và xây dựng môi trường du lịch thân thiện với khách du lịch.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu đánh giá, qua hơn hai năm hoạt động, Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh đã có những hoạt động tích cực, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng du lịch tại tỉnh. Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh đề nghị sau hội nghị, Sở VH-TT&DL hòan thiện kế hoạch chiến lược phát triển du lịch, phân công nhiệm vụ cho các ngành phù hợp với chức năng ngành. Phát triển du lịch trong tỉnh phải bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và chiến lược phát triển du lịch của quốc gia. Tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch của tỉnh về văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch thể thao để phục vụ cho nhu cầu du lịch đa dạng của khách du lịch và thu hút các họat động đua xe đạp, tổ chức giải dù lượn…tại địa phương. Phát triển du lịch đi đôi với chú trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình./.