Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 123 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) được nghiên cứu và ứng dụng thành công. Trong đó, các đề tài tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 40%. Có thể kể đến các ứng dụng nổi bật như việc tạo các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và mang tính đặc trưng của tỉnh như giống lúa và ngô chịu hạn, chịu lạnh; lựa chọn được các giống cam thu hoạch giải vụ từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau (giống cam CS1, cam canh, cam xã Đoài, cam V2); nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới của Israel; kĩ thuật canh tác hiện đại, đồng thời tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao như trồng cam Cao Phong và mở rộng địa bàn sang các huyện Lạc Thuỷ, Kim Bôi; hạt dổi Lạc Sơn; bưởi đỏ Tân Lạc; quả nặc lày Lương Sơn, mía tím Hoà Bình; nghiên cứu thành công việc nuôi cá tầm trên lòng hồ; đẻ nhân tạo cá bỗng, cá trắm đen. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật được đẩy mạnh trong trồng phong lan, chuối tiêu hồng, khoai sọ, rau các loại theo phương pháp nuôi cấy mô. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu như Đông trùng hạ thảo, linh chi, mộc nhĩ. Bước đầu, những ứng dụng mang lại hiệu quả cao, giúp tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; cải thiện rõ nét đời sống và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để có được những thành công trên là tổng hợp nhiều giải pháp trong quản lý được áp dụng. Trong đó, không thể không kể đến việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN và chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo với các nhà khoa học không chuyên. Với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, việc hỗ trợ ứng dụng KHCN được thực hiện tích cực, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ với việc được thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên là Công ty CP Biopharm. Triển khai chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả bước đầu cho thấy tỉ lệ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tăng dần qua các năm. Tỉ lệ sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm công nghiệp toàn tỉnh tăng lên rõ rệt. Công tác quản lý hoạt động an toàn bức xạ đối với các cơ sở sử dụng thiết bị an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai hiệu quả. Việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tăng cường sự liên kết của 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hoá, xã hội giúp bảo tồn và phát huy những nét văn hoá của người Mường.
Hoạt động sáng tạo KH&CN với các nhà khoa học không chuyên được quan tâm phát triển. Các cá nhân, tổ chức có sáng kiến ứng dụng được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng kí sáng chế và kinh phí theo Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 26/5/2008 của UBND tỉnh Hoà Bình. Nhiều cuộc thi sáng tạo đang được triển khai gồm Hội thi sáng tạo kĩ thuật tỉnh Hoà Bình lần thứ V (2014-2015); cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 11 (2014-2015). Năm 2015, Hoà Bình vinh dự có 1 nhà sáng chế khoa học không chuyên là bà Đinh Thị Phiển- Công ty CP Y dược học cổ truyền Hoà Bình được lựa chọn tham dự buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên toàn quốc..
Giai đoạn 2016-2020, ngành KH&C hướng tới tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các đề tài KH&CN. Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án KH&CN. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KHCN, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm góp phần đổi mới và thúc đẩy sự phát triển ngành KH&CN tỉnh nhà.