Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, toàn tỉnh có 25.000 thành viên tham gia 730 hợp tác xã, 320 tổ hợp tác, 10 Liên hiệp hợp tác xã; doanh thu, lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể tăng bình quân 7,0%/năm; quy mô thành viên khu vực kinh tế tập thể tăng bình quân 3,0%/năm; đóng góp khu vực kinh tế tập thể vào ngân sách Nhà nước tăng 9,0%/năm; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 85% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tỷ lệ hợp tác xã yếu kém đạt dưới 2%. Mục tiêu đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia tổ chức kinh tế tập thể; quy mô, chất lượng tổ chức kinh tế tập thể đạt mức trung bình cả nước; 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả; 65% tổ chức kinh tế tập thể tham gia chuỗi liên kết; 100% tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tăng cường phổ biến, tuyên truyền về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong công tác đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Chính quyền các cấp chủ động tuyên truyền, quán triệt và cụ thể hóa khung khổ pháp lý về kinh tế tập thể phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các quy định của Trung ương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận tín dụng; nâng cao năng lực Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh, căn cứ khả năng ngân sách để bố trí vốn điều lệ, những năm tiếp theo đến năm 2025 mức tăng vốn điều lệ hàng năm tăng ít nhất 10 tỷ đồng/năm.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Chủ động rà soát, củng cố lại hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể theo đúng bản chất và quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết dứt điểm tồn đọng của tổ chức kinh tế tập thể. Rà soát, sắp xếp lại hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; giải thể hợp tác xã ngừng hoạt động, chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định pháp luật. Xây dựng và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, quy mô cấp tỉnh và cấp huyện. Đẩy mạnh liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã đối với phát triển kinh tế tập thể. Nâng cao vai trò, năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh và các huyện, thành phố; tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện có chiều sâu, hiệu quả và thiết thực./.