DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tiếp tục nghiên cứu bổ sung cây gai xanh vào cơ cấu cây trồng của địa phương

28/11/2022 00:00
Sau 2 năm trồng thử nghiệm, mặc dù hầu như chưa có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, nhưng diện tích cây gai xanh đã phát triển được trên 250ha ở 6 huyện, thành phố. Diện tích trồng cây gai xanh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đã trụ lại được với người dân; một số hộ dân đã có sự thay đổi đáng kể về kinh tế gia đình nhờ cây gai xanh. Bước đầu cây gai xanh đã thể hiện được hiệu quả kinh tế so với những cây trồng truyền thống trước đây trên cùng chân đất (cây ngô, sắn). Đồng thời đã chứng minh được việc thực hiện chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân một cách khá chặt chẽ, theo đúng định hướng, đảm bảo các quy định hiện hành.

Cây gai xanh có thể phát triển thành cây hàng hóa đa mục tiêu, đa giá trị. Ngoài sản phẩm chính là sợi gai để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dệt may; các phụ phẩm từ thân lõi, lá gai còn có tác dụng bồi dưỡng, cải tạo đất. Đặc biệt có thể trở thành sản phẩm cung cấp cho ngành thực phẩm, cho chế biến phân bón, thức ăn chăn nuôi nếu được áp dụng khoa học công nghệ và thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất.

Để phát triển bền vững cây gai xanh trong thời gian tới; đưa cây gai xanh trở thành một trong ít nhất 03 loại cây trồng có quy mô phù hợp phục vụ công nghiệp chế biến, như Đề án 03/ĐA-TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố như sau:

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung cây gai xanh vào cơ cấu cây trồng của địa phương; mở rộng diện tích ở những khu vực đã trồng khảo nghiệm và chứng minh được sự phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Việc phát triển cây gai xanh cần sự chỉ đạo thường xuyên, cụ thể, quyết liệt, nhất là các nội dung: Trồng tập trung, không nhỏ lẻ phân tán, không chồng lấn với diện tích quy hoạch cho phát triển các cây trồng chủ lực khác. Tận dụng đất bưa bãi, ruộng một vụ, đất đồi thấp trồng ngô sắn để chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, đặc biệt những khu vực trồng sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cắt đứt nguồn bệnh.

Chủ động ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí được giao từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ việc thực hiện chuỗi, hỗ trợ cây giống, máy tuốt gai cho người dân; cải tạo, nâng cấp hạ tầng vùng trồng; hỗ trợ các hợp tác xã trong thực hiện hợp đồng liên kết soản xuất gai xanh với người dân và doanh nghiệp vv.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục theo dõi, đánh giá việc phát triển cây gai xanh tại địa phương. Phối hợp với doanh nghiệp tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá các giống cây gai xanh mới để bổ sung cho sản xuất. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài khoa học về cây gai xanh đã được phê duyệt, tổng hợp kết quả và xây dựng, ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác cây gai xanh phù hợp với điều kiện của tỉnh Hòa Bình. Trên cơ sở kết quả thực tế, kết quả nghiên cứu khoa học và khả năng phát triển cây gai xanh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án về Phát triển bền vững cây gai xanh (hoàn thành trong năm 2023).     

Giao Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu, trên cơ sở khoa học công nghệ và đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất trong việc phải cơ giới hóa khâu canh tác, phơi sấy sợi gai để tham mưu, đề xuất giải pháp, đặt hàng nhiệm vụ giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển cây gia xanh trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất nói chung, phát triển cây gai xanh nói riêng. Tập trung cho các nội dung về thực hiện chuỗi, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cơ giới hóa.

Đề nghị Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuân thủ nghiêm túc cơ chế bảo lãnh ngân hàng như đã công bố. Nghiên cứu và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các hợp tác xã, người trồng gai đã kiến nghị như: cơ chế thu mua, công bố giá thu mua từ các hợp tác xã và từ trực tiếp người sản xuất; có sự điều chỉnh giá thu mua phù hợp theo từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu chung về tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các doanh nghiệp khác, các viện nghiên cứu để đặt hàng, thử nghiệm khâu cơ giới hóa; đầu tư phân bón cho các hợp tác xã.

Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây gai tuân thủ nghiêm túc hợp đồng đã ký với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie; đồng thời có hợp đồng cụ thể, chặt chẽ với từng hộ dân tham gia chuỗi liên kết./.