DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải

21/10/2022 00:00
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua thực tế tìm hiểu, nhất là ở những xã trong diện phấn đấu về đích dễ nhận thấy tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Hòa Bình có 83/129 xã đạt tiêu chí về môi trường. Mặt khác, có những xã đã đạt tiêu chí này nhưng để giữ vững và nâng cao chất lượng cũng lắm gian nan.
Việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực thành phố Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn

Những năm trở lại đây, ở khu vực thành phố và các thị trấn tồn tại không ít vấn đề về môi trường chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc gặp nhiều khó khăn để tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Thực trạng này ở khu vực nông thôn chưa đến mức báo động, nhưng cũng đang trở thành nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường bởi việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt chưa được chú trọng, trong khi lượng rác thải ngày càng lớn. Xả rác ra sông, suối hay núi, đồi, thậm chí dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn vẫn còn tái diễn. Nguyên nhân của thực trạng này do ý thức của người dân, sự vào cuộc của ngành chức năng, đặc biệt là nhiều xã chưa được xây dựng bãi rác.

Theo Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong những năm gần đây, công tác thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa được quan tâm thích đáng. Nhiều xã chưa có đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTR sinh hoạt. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng quy mô nhỏ, phần lớn tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn thô sơ với xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Theo thống kê, có khoảng 60% số thôn, xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.

Ngoài ra, việc xử lý CTR sinh hoạt nông thôn ở hầu hết các địa phương chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt CTR với công suất nhỏ (huyện Cao Phong, Kim Bôi, Yên Thủy) phục vụ việc xử lý CTR sinh hoạt cho một vùng nông thôn hoặc cụm dân cư. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý cũng như quá trình vận hành đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hay không là vấn đề chưa được kiểm tra, xác nhận.

Việc thu gom CTR từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) còn rất hạn chế, hầu như chưa có mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán. Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Hiện, ở một số vùng vẫn tồn tại những ngành sản xuất gây ô nhiễm không khí nặng như: Tái chế nhựa, kim loại, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy không tuân thủ quy định BVMT về xử lý chất thải, không thực hiện đánh giá tác động môi trường...

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải và BVMT. Trong đó, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào BVMT, như: Đoàn Thanh niên với phong trào "Ngày Chủ nhật xanh”, các đoạn đường tự quản; Hội Phụ nữ với phong trào "5 không, 3 sạch”. Nổi bật như mô hình "hố rác tại gia” do Hội Phụ nữ phát động tại xóm Kha Lạ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Mô hình này được triển khai từ năm 2017, với chi phí xây dựng hố rác tại mỗi gia đình chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng đem lại hiệu quả tích cực. Bà Bùi Thị Sen, người dân xóm Kha Lạ chia sẻ: Trước đây, bà con chưa quan tâm nhiều đến việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt nên thường xả rác ra suối. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Từ khi triển khai mô hình "hố rác tại gia”, rác thải sinh hoạt của gia đình nào tự gia đình đó xử lý, tuyệt đối không vứt ra môi trường. Nhờ đó môi trường được đảm bảo, bà con nêu cao ý thức tự giác tham gia bảo vệ cảnh quan, môi trường của xóm để càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Điển hình như mô hình hay mà người dân xóm Kha Lạ đã, đang triển khai hiệu quả cần được nhân rộng đến các thôn, xóm khác trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo Chi cục BVMT, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở khu vực nông thôn. Đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT ở khu vực nông thôn; xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn; thực hiện chính sách khuyến khích và các biện pháp phù hợp trong quản lý chất thải nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn.

Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng quy chế huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Kiện toàn bộ máy thực thi công tác BVMT các cấp; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn, ưu tiên nguồn lực để giải quyết từng bước những vấn đề bức xúc hiện nay như xử lý CTR, nước thải. Cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi công tác BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT. Xây dựng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác BVMT./.