DetailController

Khoa học - Môi trường

Tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh

28/06/2022 00:00
Ngày 28/6, UBND tỉnh có buổi làm việc, đối thoại với Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, do đồng chí Hà Phúc Mịch, Chủ tịch HHNNHC Việt Nam về việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ và đưa vào kế hoạch phát triển nông nghiệp chung tại tỉnh Hòa Bình. Tiếp và làm với Hiệp hội có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 08 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; 01 hợp tác xã và 01 liên nhóm chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS trong trồng trọt; 01 doanh nghiệp chăn nuôi chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản; hiện chưa có cơ sở được chứng nhận hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản.

Nhìn chung các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ tương đối tốt, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Sản phẩm được bán với giá cả khá tốt: sản phẩm thịt lợn giá bán từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, sản phẩm rau hữu cơ đồng giá cho các loại từ 18.000/kg đến 20.000 đồng/kg, sản phẩm quả hữu cơ (bưởi đỏ Tân Lạc) giá bán từ 25.000 đồng/kg; sản phẩm cam giá bán từ 35.000- 60.000 đồng/kg. Các sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ cơ bản đều thông qua các hợp đồng như: Sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn tiêu thụ qua hợp đồng với Công ty Vinagap, Tâm Đạt, Tràng An và công ty Bavifam, Ecomar và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại Hòa Bình; sản phẩm quả hữu cơ bán qua hợp đồng với Công ty Bắc Tôm, Tâm Đạt. Sản phẩm thịt lợn được tiêu thụ thông qua hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch Orfarm và Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội.

Tại buổi đối thoại, Hiệp hội NNHC Việt Nam cũng đã giới thiệu về Dự án tăng cường năng lực cho nông dân quy mô nhỏ thông qua việc thống nhất mạng lưới PGS hưu cơ tại Việt Nam. Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đưa ra một số ý kiến trong quá trình triển khai mở rộng diện tích hữu cơ tại tỉnh; trong đó chủ yếu gặp một số khó khăn về kỹ thuật, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng hành, hỗ trợ nông dân, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương trong phát triển, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ. Tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Tập trung ưu tiên các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh đi đôi với đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các điểm bán sản phẩm hữu cơ. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất hữu cơ./.