DetailController

Tin từ các đơn vị

Tiếp tục các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2020

17/09/2020 00:00
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 đạt 63,84 điểm, là năm có số điểm cao nhất từ trước đến nay, được xếp vào nhóm điều hành khá. So với cả nước tỉnh Hòa Bình xếp thứ 48/63 tỉnh, thành. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, phấn đấu xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Năm 2019, chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình đạt 63,84 điểm, là năm có số điểm cao nhất từ trước đến nay, được xếp vào nhóm điều hành khá (năm 2018 xếp ở nhóm điều hành trung bình). So với cả nước tỉnh Hòa Bình xếp thứ 48/63 tỉnh, thành, duy trì được vị trí của năm 2018. So với 6 tỉnh Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình xếp thứ 4. So với 10 tỉnh thuộc vùng Thủ đô, tỉnh Hòa Bình xếp thứ 9. Điểm PCI năm 2019 được cải thiện và tăng 2,11 điểm so với năm 2018; 7/10 chỉ số thành phần được cải thiện về điểm và 5/10 chỉ số thành phần được cải thiện về thứ hạng; 4/11 chỉ tiêu đạt kế hoạch là điểm chỉ số PCI và điểm của ba chỉ số thành phần gồm: Chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động. 

Phân tích những kết quả điểm chỉ số PCI, có thể thấy nguyên nhân đạt được là do tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xây dựng kế hoạch chương trình để thực hiện. Tổ chức gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển, giảm tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Số hồ sơ đã giải quyết xong trước hạn chiếm gần 82% tổng số hồ sơ. Công chức, viên chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được đánh giá hài lòng khi thực hiện giao dịch. Cải cách hành chính luôn được quan tâm. Tuy nhiên điểm chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình vẫn thấp hơn so với trung vị cả nước, 3/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2018 bao gồm: Gia nhập thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch; 5/10 chỉ số thành phần thứ hạng không được cải thiện.

Để cải thiện điểm số gia nhập thị trường cần phải rút ngắn thời gian cấp “giấy phép con”, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Công khai minh bạch hơn nữa, đa dạng kênh thông tin các quy hoạch, kế hoạch do cơ quan mình quản lý, đặc biệt là các quy hoạch xây dựng đối với chỉ số tính minh bạch. Cần tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tập trung vào nhiệm vụ quy hoạch vùng tỉnh Hòa Bình, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất. Các ngành, địa phương cần đưa ra những giải pháp cụ thể nâng điểm từng chỉ số thành phần PCI trong năm tới.

Nhằm phấn đấu năm 2020 tăng tổng điểm số PCI từ 2 đến 5 điểm so với năm 2019, thời gian tới các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 97 ngày 16/1/2020 của UBND tỉnh về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng năm 2021. Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm với công việc. Nâng cao tính năng động và tiên phong của cán bộ lãnh đạo các cấp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng những hành động thiết thực, tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc; xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp về pháp lý, thông tin thị trường, chiến lược kinh doanh, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiếp cận thông tin và mở rộng thị trường, là động lực thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp./.