DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng

27/09/2022 00:00
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, ngày 23/9/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 1656/UBND-NVK về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chỉ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phốtiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật. Xây dựng và thực hiện nghiêm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ đối với việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.Thường xuyên kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất làm cơ sở thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các địa phương, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thểtrong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức (báo, đài, trang thông tin điện tử, tổ chức hội nghị, cuộc thi, tuyên truyền lưu động, tổ chức xét xử lưu động các vụ án tham nhũng...).Các trường, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy.Nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ tuyên truyền viên là người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; giáo viên, giảng viên là những người tình nguyện giảng dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ tuyên truyền nòng cốt.

 Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn đối với các cơ quan, đơn vị, việc thực hiện nhiệm vụ công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, tài chính ngân sách, lĩnh vực đất đai, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội, các vụ việc có liên quan đến hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.Tích cực, kịp thời phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; sử dụng các biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền và tài sản tham nhũng.Chỉ đạo các cơ quan thanh tra triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; chỉ thực hiện việc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra, các đơn vị phải có báo cáo bằng văn bản gửi Thanh tra tỉnh và chỉ được điều chỉnh khi có ý kiến của Thanh tra tỉnh. Theo dõi thông tin dư luận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thanh tra để tiến hành thanh tra lại theo quy định, ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành: Hạn chế tối đa công tác kiểm tra đối với doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép các cuộc kiểm tra của các đơn vị thành các cuộc kiểm tra liên ngành. Việc kiểm tra phải ban hành kế hoạch kiểm tra; thiết lập biên bản cụ thể đối với các đối tượng được kiểm tra.

Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, dọanh nghiệp; xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân.Khuyến khích doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn ngừa tham nhũng; phát động phong trào không đưa hối lộ, chi phí không chính thức cho cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà và khó thực hiện, kiến nghị giải pháp tháo gỡ.  Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thực hiện việc tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo khi phát hiện tham nhũng, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà. Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên nâng cao vai trò phản biện, giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tạo điều kiện và phát huy vai trò của cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan thông tin truyền thông có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng. Tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để phòng, chống tham nhũng./.