Văn học Nga, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác của nước Nga đã có một bề dày truyền thống và những thành tựu xuất sắc. Trong nửa cuối thế kỷ 20, rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nga như Ðôt-xtôi-ep-xki, Tôn-xtôi, Sê-khốp, Sô-lô-khốp, Ai-tma-tốp,... đã được chọn dịch và xuất bản ở Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã được nuôi dưỡng bằng những 'món ăn tinh thần' từ các nền văn hóa lớn trên thế giới, trong đó có văn hóa Nga. Từ sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, một thời gian, văn học - nghệ thuật Nga ít được giới thiệu ở Việt Nam. Một mặt, do chúng ta có điều kiện để mở rộng sự quan tâm tới các nền văn học khác trên thế giới và trong khu vực, một mặt, đó là thời gian nước Nga đang trải qua giai đoạn ổn định để phát triển, nên các hoạt động và việc truyền bá văn học - nghệ thuật dường như cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, mạch nguồn sáng tạo của các văn nghệ sĩ Nga vẫn tiếp tục tuôn chảy một cách bền bỉ, với những giá trị nhân văn cao đẹp đã được xây đắp và khẳng định từ hàng trăm năm trước. Không những thế, còn xuất hiện sự khởi sắc mới, làm phong phú thêm cho kho tàng văn học - nghệ thuật của nước Nga.
Kể từ cuối thế kỷ trước và bước sang thiên niên kỷ mới, trong văn học Nga đã bắt đầu xuất hiện nhiều tác phẩm tạo được sự quan tâm sâu sắc không chỉ bạn đọc trong nước mà cả nước ngoài. Ðể phát hiện và ghi nhận thành tựu của các tác giả trong lĩnh vực văn học, bắt đầu từ năm 2000, ở nước Nga đã bắt đầu hình thành nhiều giải thưởng văn học có uy tín, chủ yếu do các báo, tạp chí và các tổ chức liên quan đến văn học thành lập. Trong thể loại truyện ngắn, giải thưởng được bạn đọc đánh giá cao là Giải thưởng truyện ngắn hay nhất trong năm mang tên I-u-ri Ka-da-kốp do tạp chí văn học Thế giới mới sáng lập từ năm 2000. Hằng năm, tạp chí này phối hợp nhiều báo và tạp chí văn học khác tổ chức bình chọn trong số hàng nghìn truyện ngắn đã đăng để trao một giải duy nhất Giải thưởng truyện ngắn hay nhất trong năm. Trong số các tác giả được trao giải, có những nhà văn đã thành danh từ thế kỷ 20 như E-ki-mốp, A-xta-phi-ep... và những cây bút mới xuất hiện trên văn đàn như Pô-li-an-xkai-a, Klu-cha-ri-ô-va, A-bu-di-a-rốp... Tập truyện ngắn Không nên khóc được dịch giả Ðào Minh Hiệp chọn dịch nằm trong số các tác phẩm văn học Nga đương đại của các tác giả đã được trao nhiều giải thưởng văn học trong thời gian gần đây.
Hầu hết truyện ngắn trong tập là sáng tác mới, nên dù tác phẩm viết về đề tài gì, phản ánh giai đoạn nào trong lịch sử nước Nga thì cũng được thể hiện dưới một góc nhìn mới, chân thực và khách quan, đồng thời vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị nhân văn của nền văn hóa Nga. Qua những tác phẩm này ta có thể hiểu thêm về một nước Nga còn bộn bề khó khăn gian khổ sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1945 (truyện ngắn Con chó, Tisanca cháy, Ngỗng trời bay qua, Những người họ hàng, Hai người đàn ông), thời kỳ xây dựng CNXH ở Liên bang Xô-viết (Trên ga xép, Trên dòng sông Baiđamtan, Nhớ về miền đất Bapphin) và đặc biệt là nước Nga sau này với bao chuyện vui buồn khi bước vào cơ chế thị trường (Bàn là và kem, Không nên khóc, Bưu phẩm, Một năm ở thiên đường). Dẫu không phải là một cuốn biên niên sử, nhưng qua tập truyện ngắn này, người đọc có thể cảm nhận thêm về nước Nga với bao thăng trầm và buồn vui trong cuộc sống qua những dòng chữ vô cùng sinh động và chân thực.