DetailController

Văn hóa

Tiếng khèn Mông

30/12/2010 00:00
Ngày nay, công nghệ số phát triển bùng nổ đã và đang đẩy lùi những điệu khèn Mông dần vào trong lãng quên. Trong khi nhiều chàng trai Mông đã chuyển sang tỏ tình bằng nhạc chuông điện thoại di động thì ở bản vùng cao Trà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) vẫn còn sót lại ông già mà tình yêu với khèn Mông của ông chưa bao giờ nguội tắt.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh giữa khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, ông Sùng A Màng, 81 tuổi, tiếp chúng tôi bằng một bản nhạc khèn Mông miên man lòng người. “Tôi học thổi khèn từ năm 13 tuổi, cái tuổi mà chàng trai Mông nào cũng biết thổi khèn tán gái. Thổi không thì đơn giản nhưng vừa nhảy kết hợp thổi được mới khó”.

Dứt lời, ông Màng thể hiện một bản nhạc Mông kết hợp những điệu nhảy phức tạp cho chúng tôi thưởng thức bên bếp lửa cháy đỏ rực. Bản nhạc thứ hai tặng khách đã dứt, ông Màng đổ nước vào khèn và giải thích: Khèn có độ ẩm thì âm thanh trong hơn, người Mông thường múa khèn trên bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng với những vũ điệu rất khó, những bước nhún, bước đo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất thể hiện được sự uyển chuyển, tinh tế của người biểu diễn. 
 
Hiện nay, ở các xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình còn rất ít người biết thổi khèn Mông. Riêng người vừa thổi vừa nhảy được như ông Màng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ông Màng, những động tác vừa thổi, vừa nhảy cực khó. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa… Ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp khiến chúng tôi quên đi cái lạnh của thời tiết vùng cao. Còn ông Màng cứ nói chuyện với chúng tôi được mấy câu lại cầm chiếc khèn lên thổi. Tiếng khèn ngân lên đi kèm theo các vũ điệu đã thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông.