DetailController

Văn hóa

Tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ sông Đà

28/02/2014 00:00

Khi nói tới các điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) không thể không nhắc tới lòng hồ sông Đà (hay hồ Hòa Bình). Đây là một điểm du lịch đầy tiềm năng hiện đang được khai thác và đã được chính phủ phê duyệt xác định là điểm du lịch quốc gia trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh Hòa Bình đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch với mục tiêu đưa Khu du lịch Hồ Sông Đà trở thành Khu du lịch quốc gia và là trọng điểm du lịch của tỉnh; làm cơ sở cho các đồ án quy hoạch cụ thể, lập các dự án đầu tư, thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch sẵn có của Hồ Hòa Bình.

Khai xuân trẩy hội đền Bờ

Lòng hồ sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hoà Bình có tổng chiều dài 70km (trên tổng chiều dài 983 km từ Hoà Bình lên Sơn La), nằm trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 04 huyện (huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc) và  thành phố Hoà Bình; cách trung tâm Hà Nội 74 km về phía Tây.

Được hình thành sau khi có công trình Thuỷ điện Hoà Bình, trên Hồ chỗ rộng nhất 1- 2 km, sâu từ 80 - 110m. Hồ có dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Tổng diện tích vùng Hồ 2.249km2, trong đó diện tích rừng là 13.292ha (rừng nguyên thủy, tái sinh, trồng mới); diện tích mặt nước chiếm hơn 8.000ha; tổng diện tích Khu du lịch Hồ Hòa Bình là 522km2 (52.200ha)

Hồ có 47 đảo lớn nhỏ, hiện nay nhiều đảo được đầu tư khai thác trở thành các điểm du lịch phục vụ du khách, thêm vào đó với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hai bên bờ hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn du khách. Với những lợi thế thiên nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng, người ta thường ví hồ Hoà Bình giống như một Vịnh Hạ Long trên núi.

Hồ sông Đà có các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đang đón khách như Đền Thác Bờ ( huyện Đà Bắc và Cao Phong) nơi thờ một phụ nữ người Dao, đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, phương tiện thuyền bè vượt thác; thắng cảnh cấp quốc gia động Thác Bờ và động Hòa Tiên (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc); các điểm du lịch đón tiếp phục vụ khách tham quan, lưu trú như Đảo Dừa, Đảo Ngọc Xanh, Cối xay gió và một số bản dân tộc Mường, Dao. Đặc biệt vùng ven Hồ là địa bàn cư trú lâu đời của nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Thái, Dao... Tai đây bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc riêng của từng dân tộc vẫn được lưu giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn và tiếp tục được phát huy trong cuộc sống đương đại. Hiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng khu vực Hồ Hòa Bình đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư, xây dựng, từng bước hoàn thiện nhằm đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân vùng Hồ nói chung, cho phát triển du lịch Hồ Hòa Bình nói riêng.

Hồ Hoà Bình gần Quốc lộ 6, 12a, 15 và 21. Quan trọng nhất là quốc lộ 6 đã được nâng cấp cải tạo thành đường cấp 3 miền núi. Ngoài ra những tuyến đường liên huyện, liên xã được làm mới, cải tạo và mở rộng như.  Đặc biệt là tuyến đường từ TP. Hoà Bình đi cảng du lịch Thung Nai hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đảm bảo và phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân và khách du lịch.; các đường phụ này đều là đường cấp phối, đường đất.

Với chiều dài trên 200km, hiện tại giao thông đường thuỷ là hệ thống giao thông chủ yếu trong tuyến du lịch vùng Hồ. Một số cảng quan trọng quanh Hồ Hòa Bình: Cảng du lịch Thung Nai đã được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động phục vụ du lịch; Cảng Bích Hạ hiện chủ yếu phục vụ đi lại cho người dân lòng Hồ và một phần phục vụ du lịch; Cảng Hiền Lương đã được đầu tư xây dựng thuận tiện cho giao thông tới khu vực Đà Bắc; Bến thuyền tại xã Ngòi Hoa thuận tiện giao thông đường thủy tới Tân Lạc; Bến thuyền tại Bãi Sang rất thuận tiện cho giao thông đường thuỷ đến Mai Châu...

          Hiện nay khách đến Khu du lịch Hồ Hòa Bình vẫn chủ yếu là khách trong nước, đến vào dịp lễ hội đền Bờ là chính, số lượng khách nước ngoài đến đây có xung hướng tăng dần và có khoảng trên 100.000 khách hàng năm.

Nguồn lao động phục vụ du lịch khá lớn, chủ yếu là nhân lực phục vụ trên các tàu, thuyền du lịch tại các cảng. Tại các cơ sở lưu trú trên hồ nguồn nhân lực khá ít. Số ít mới qua đào tạo, còn lại đa số nguồn nhân lực chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành du lịch.

Phát triển khu du lịch Hồ Hòa Bình trước mắt cũng như lâu dài luôn phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển du lịch. Đồng thời phải luôn đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển du lịch các huyện, thành phố thuộc vùng Hồ Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm lân cận thuộc vùng du lịch Bắc Bộ như Hà Nội, Sơn La,.. tạo khả năng kết nối chặt chẽ, phát huy thế mạnh du lịch các khu, điểm, tuyến du lịch giữa các địa phương, các vùng, tạo được nguồn khách thường xuyên và ổn định.

 

 Tiềm năng du lịch Hồ Hoà Bình rất đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá điển hình các dân tộc và cảnh quan thiên nhiên sinh thái đã tạo nên sự đặc thù của sản phẩm du lịch nơi đây. Đó là những yếu tố tạo nên nhiều sản phẩm du lịch như: Văn hoá - sinh thái, tâm linh, thể thao núi, thể thao nước, nghỉ dưỡng cuối tuần... Du lịch Hòa Bình đang từng bước khai thác các thế mạnh trên vùng Hồ, phấn đấu đưa khu du lịch Hồ Hòa Bình phát triển xứng đáng với những tiềm năng vốn có, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế