DetailController

CNTT và Viễn Thông

Tích cực triển khai lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp

10/05/2016 00:00
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật được khai thác hiệu quả, các phần mềm dùng chung của tỉnh được vận hành và sử dụng thường xuyên, liên tục tạo môi trường làm việc nhanh chóng, hiện đại.
Thành phố Hòa Bình triển khai thủ tục hành chính công phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

 Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, quý I/2016, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quan trọng để chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, phần mềm văn phòng điện tử đã triển khai sử dụng tại 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý và điều hành, góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí giấy tờ văn phòng phẩm. Theo số liệu tổng hợp số văn bản đến, đi được xử lý trên phần mềm, một số đơn vị triển khai tốt như các Sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; các huyện, thành phố: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn, Hòa Bình. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện các phương án kỹ thuật để kết nối liên thông thử nghiệm phầm mềm văn phòng điện tử của tỉnh với phần mềm của Văn phòng Chính phủ. Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2016 chính thức kết nối phần mềm trên cả nước qua trục liên thông phần mềm Chính phủ.  

100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được cấp địa chỉ như điện tử công vụ để trao đổi thông tin và gửi, nhận văn bản điện tử. Các cơ quan, đơn vị đều đã thiết lập địa chỉ thư chính thức để làm đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được bàn giao cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố sử dụng trong giao dịch điện tử nhằm đảm bảo tính pháp lý của văn bản điện tử khi trao đổi giữa các cơ quan nhà nước. Hiện, chữ ký số đã được tích hợp vào phần mềm văn phòng điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh để phục vụ cho quá trình trao đổi văn bản điện tử. Hệ thống hội nghị trực tuyến tiếp tục được duy trì ổn định, phục vụ hiệu quả các cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, giúp công tác chỉ đạo điều hành được nhanh chóng, kịp thời và tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí văn phòng.

Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là kênh thông tin quan trọng, giúp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nắm được chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; đăng tải các thông tin về lịch sử truyền thống văn hóa, tiềm năng, lợi thế phát triển, thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh có 21/21 sở, ban, ngành và 11/11 huyện, thành phố đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức 1,2 tạo môi trường giao tiếp thuận tiện, công khai, minh bạch giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Phần mềm một cửa điện tử hiện đang được triển khai tại 02 đơn vị (UBND huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trung bình 75.000 hồ sơ/năm, bước đầu đã phát huy được hiệu quả và nhận được những đánh giá, nhận xét tích cực từ người dân, doanh nghiệp./.